Cuốn sách ''phục dựng'' một thời kỳ đáng nhớ

Sách - Ngày đăng : 12:37, 28/01/2021

(HNMCT) - Các nhân vật lịch sử thời đại Hồ Chí Minh đã bước vào tiểu thuyết lịch sử. Nay, một trong những người thuộc “thế hệ kim cương” trở thành nhân vật văn học - Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 - 1967) trong tiểu thuyết chương hồi “Người công giáo cộng sản”.

Cuốn tiểu thuyết cho người đọc như được sống lại một thời kỳ bão táp cách mạng, được kề vai sát cánh với những người chiến sĩ cộng sản của một thế hệ tràn đầy tinh thần “dĩ công vi thượng”. Nhân vật Trần Tử Bình được miêu tả từ lúc sinh ra, lớn lên, tham gia hoạt động cách mạng, trưởng thành theo trình tự thời gian. Tác giả chú trọng đặt nhân vật chính trong một không gian - thời gian có tính chất địa - chính trị và địa - văn hóa.

Quê hương đồng chí Trần Tử Bình là một làng công giáo toàn tòng thuộc phủ Lý Nhân xưa (dưới thời vua Thành Thái đổi tên thành tỉnh Hà Nam). Đó là một vùng nông thôn nghèo khó. Nhưng, những nơi nghèo khó nhất thường sản sinh ra nhiều bậc hào kiệt. Người công giáo có đức tin mạnh mẽ về lẽ phải, sự công bằng và sống thanh sạch theo giáo lý. Tất cả các nhân tố tốt đẹp của một không gian văn hóa như thế đã hun đúc nên những phẩm chất cần thiết để cậu bé Phạm Văn Phu (sau khi hoạt động cách mạng có bí danh là Trần Tử Bình) hình thành và phát triển một nhân cách toàn vẹn.

“Người công giáo cộng sản” là một tiểu thuyết về “lịch sử và nhân chứng” của một thời kỳ đáng nhớ trong tiến trình đấu tranh cách mạng Việt Nam thời hiện đại. Nương theo tinh thần này, tác giả không chỉ chú trọng tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng mà còn quan tâm đến các nhân chứng lịch sử, vì chỉ có thông qua những con người cụ thể thì lịch sử mới được phục dựng một cách sinh động, đầy đủ, soi sáng đến từng chi tiết. Nếu Trần Tử Bình là nhân vật trung tâm thì có một “từ trường” lớn do nhân vật tạo nên, trong đó xuất hiện một cách trung thực các nhân vật khác như Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng, Trần Huy Liệu, Trần Quang Huy, Nguyễn Bình, Lê Thiết Hùng...

Trần Tử Bình là một nhân vật - người anh hùng trong ý nghĩa đích thực của từ này là vì được đặt trong (và giữa) một tập thể anh hùng, vì không ai có thể một mình làm nên sự nghiệp. Tư tưởng về vai trò của nhân dân trong tiểu thuyết lịch sử “Người công giáo cộng sản” của Trần Việt Trung rất sáng rõ. Đề cao vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại nên tư tưởng “lòng yêu nước không độc quyền” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm.

Trong sợi dây bền chặt của nhân vật chính với hoàn cảnh, thiết nghĩ, người vợ là một điểm sáng rỡ. Bà Nguyễn Thị Hưng là người vợ, người đồng chí gắn bó keo sơn với Trần Tử Bình. Bà đã tham gia hoạt động cách mạng từ sớm ở Hưng Yên. Sau năm 1957, bà giữ cương vị Chánh Thanh tra Bộ Ngoại thương. Bà đã sinh hạ và nuôi nấng chu toàn 8 người con (6 trai, 2 gái, tác giả Trần Việt Trung là con út trong gia đình). Bà Nguyễn Thị Hưng là tấm gương kiên cường vượt khó, vừa xây tổ ấm vừa phụng sự Tổ quốc. Thiết nghĩ, nếu thiếu đi những trang viết sinh động, xúc động về bà Nguyễn Thị Hưng, tiểu thuyết sẽ bị khuyết đi một mảng lớn.

Tiểu thuyết lịch sử “Người công giáo cộng sản” của Trần Việt Trung do NXB Văn học giới thiệu.

Bùi Việt Thắng