Tăng quỹ đất cho giao thông ở Hà Nội: Ưu tiên phát triển hạ tầng

Giao thông - Ngày đăng : 06:20, 30/01/2021

(HNM) - Những năm gần đây, quỹ đất dành cho giao thông ở Hà Nội còn khá thấp, trong khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng cao gây nên tình trạng quá tải đô thị. Khắc phục tình trạng này, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội sẽ rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung đầu tư, đưa vào khai thác, từng bước tăng quỹ đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị.

Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa đưa vào sử dụng góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ảnh: Nhật Nam

Chưa đáp ứng nhu cầu

Thời gian qua, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị. Hàng loạt công trình được hoàn thành, đưa vào khai thác như: Đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên; cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên; hoàn thiện kết nối một số đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5... Cùng với đó, trung ương cũng quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô như: Đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân… Những công trình lớn này từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tăng quỹ đất dành cho giao thông. Nếu như năm 2015, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông đạt 8,65%, thì đến hết năm 2019 là 9,75% và đến hết năm 2020 là 10,07%.

Dù tăng dần từng năm, nhưng theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu (theo yêu cầu, tỷ lệ này phải đạt từ 20% đến 26%). Hiện tốc độ tăng của ô tô khoảng 10,2%/năm, xe máy khoảng 6,7%/năm, vượt gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô còn diễn biến phức tạp.

“Tại nhiều tuyến phố trung tâm, ô tô đỗ chiếm cả lòng đường, vỉa hè, gây ùn tắc giao thông. Dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nhưng chưa thực sự hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Cường (khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết.

Hà Nội tích cực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng nhằm từng bước nâng tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông. Ảnh: Tuấn Khải

Lựa chọn công trình cấp bách

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định, tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô... Trong giai đoạn này, thành phố phấn đấu đưa tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt từ 12% đến 15%; mỗi năm giảm 8-10 điểm ùn tắc giao thông...

Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung, ưu tiên cho giao thông công cộng là giải pháp “sống còn”. Nâng tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông phải được thực hiện đồng thời với nâng thị phần của vận tải hành khách công cộng. Tiếp đó là quyết liệt thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. “Giao thông công cộng cần được ưu tiên nguồn vốn và đường dành riêng tương xứng, đặc biệt là những hành lang kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ, trường đại học. Để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng năng lực của hệ thống vận tải khách công cộng, phương pháp hiệu quả nhất, quan trọng nhất chính là đường sắt đô thị, đặc biệt khi được kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải công cộng khác”, PGS.TS Vũ Hoài Nam, Trưởng bộ môn Đường ô tô, đường đô thị (Đại học Xây dựng Hà Nội) nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, để nâng được tỷ lệ đất dành cho giao thông, cần phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Sở sẽ tích cực phối hợp với các chủ đầu tư triển khai các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch đầu tư công của trung ương và thành phố, bao gồm: Hệ thống đường vành đai, các nút giao thông, các cầu qua sông, các tuyến quốc lộ, trục hướng tâm... để bảo đảm năm 2021, tỷ lệ đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt mức từ 10,32% đến 10,37% và tiếp tục tăng dần trong các năm tiếp theo. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, thành phố sẽ rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung đầu tư, đưa vào khai thác theo từng giai đoạn bảo đảm tính khả thi.

Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã đề xuất thành phố danh mục các công trình giao thông quan trọng cần ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó có 6 dự án đường sắt đô thị; 7 công trình đường vành đai; 9 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống; 5 dự án cải tạo quốc lộ qua địa bàn Hà Nội; 7 nút giao thông, hầm chui... Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư là 150.571 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố là 139.427 tỷ đồng và vốn vay ưu đãi là 31.144 tỷ đồng. Trước mắt, Hà Nội tiếp tục cân đối nguồn lực từ ngân sách thành phố đồng thời xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch.

Các công trình cần quan tâm đầu tư bao gồm: Các tuyến đường hướng tâm, trục chính đô thị; các đường vành đai; hệ thống cầu vượt sông (cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường Vành đai 4; cầu Ngọc Hồi trên tuyến Vành đai 3,5 và cầu Đuống 2 trên quốc lộ 1A cũ)... Trong đó, tuyến Vành đai 3,5 và cầu Ngọc Hồi được hình thành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho Vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải.

Tuấn Lương