Văn hóa - trung tâm chính sách phát triển của Thủ đô

Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 31/01/2021

(HNM) - Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một trong những nguồn lực, đồng thời là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Trong giai đoạn 2015-2020, phát triển văn hóa đã thực sự trở thành trung tâm trong chính sách phát triển, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho Thủ đô bứt phá. Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động với phóng viên Báo Hànộimới khi đề cập đến việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động.

Kiên trì mục tiêu phát triển văn hóa, con người

- Xin ông cho biết vai trò, mục đích của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Hà Nội? 

- Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định rất rõ quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”.

Với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vấn đề xây dựng văn hóa, con người vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. Kiên trì mục tiêu đưa văn hóa trở thành trung tâm trong chính sách phát triển, với quan điểm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa giá trị tinh hoa của cả nước.

Chính vì vậy, nhiều năm qua, Hà Nội luôn thực hiện những chương trình công tác lớn về phát triển văn hóa, con người. Đặc biệt, Hà Nội thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Việc nghiên cứu, quán triệt được thực hiện nghiêm túc tại các sở, ngành, các cấp cơ sở đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, mang lại nhiều kết quả nổi bật.

- Những kết quả đó cụ thể là gì, thưa ông?

- Rõ thấy nhất là phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã có những bước chuyển tích cực. Với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, môi trường văn hóa, văn minh từ công sở đến nơi công cộng, từ gia đình ra ngoài xã hội từng bước được định hình rõ nét. Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Nhiều mô hình hay, cách làm tốt trở thành điểm sáng, được nhân rộng…

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục được chú trọng. Nhiều di tích được đầu tư, tôn tạo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Nhiều công trình văn hóa ở cơ sở đã trở thành điểm hẹn văn hóa cộng đồng. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể; triển khai hiệu quả chương trình giáo dục di sản…, góp phần làm đậm hơn bản sắc văn hóa Thủ đô.

Các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với cả nước cũng như quốc tế được đẩy mạnh, có nhiều khởi sắc theo hướng hiệu quả và thực chất. Hà Nội đã tổ chức và đăng cai hàng trăm sự kiện văn hóa mỗi năm, trong đó nhiều sự kiện gây tiếng vang trong nước và quốc tế, như: Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa; Hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert...

Thành phố chú trọng triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016) thông qua việc triển khai Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 112/KH-UBND ngày 29-5-2017 của UBND thành phố). Đặc biệt, việc Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đã mang đến nhiều cơ hội khai thác, phát huy tri thức sáng tạo trong bồi dưỡng, làm giàu văn hóa Thủ đô.

Với lĩnh vực phát triển văn học, nghệ thuật, thành phố luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức; tạo không gian và điều kiện cho các trào lưu văn hóa mới phát triển, góp phần bồi đắp đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân Thủ đô.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể đó là vấn đề gì và nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

- Không thể phủ nhận, lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người vẫn còn những tồn tại nhất định. Việc tập trung các điều kiện để đầu tư toàn diện cho con người với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa chưa tương xứng với tầm vóc của Thủ đô. Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa dù đã tăng qua các năm, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, trong khi đó việc huy động và sử dụng nguồn xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa chưa hiệu quả.

Cùng với đó, phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển chưa đều, chưa thường xuyên; sự nghiệp văn học, nghệ thuật chưa có nhiều tác phẩm xứng tầm; sự phối hợp giữa các cấp, ngành còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ...

- Vậy theo ông, để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ nào trong thời gian tới?

- Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định “đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô” là một trong những khâu đột phá.

Quán triệt sâu sắc quan điểm đó, ngành Văn hóa Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, thành phố về xây dựng văn hóa, con người, gắn với việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử, coi đây là giải pháp trọng tâm để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư cho các nền tảng công nghệ phát triển công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Cùng với đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở. Tạo môi trường và điều kiện tốt để phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân...

Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị truyền thống của toàn dân tộc. Chính vì vậy, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô cần đạt kết quả cao hơn nữa, toàn diện hơn nữa, xác định tầm nhìn và tạo khâu đột phá mới cho sự phát triển. Để làm được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành, rất cần sự đồng thuận xã hội, sự tham gia trách nhiệm, tự giác của cộng đồng, nhằm xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thủ đô thực sự tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc; xứng đáng với vị thế, tầm vóc cũng như tình cảm, mong đợi của nhân dân Thủ đô và cả nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Thủy