Phát triển đất nước lên tầm cao mới

Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 31/01/2021

(HNM) - Kế thừa các kỳ đại hội trước, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định 3 khâu đột phá trong 5 năm tới, gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Nhiều ý kiến trong các tầng lớp nhân dân đã bày tỏ sự nhất trí cao và cho rằng, đây thực sự là những vấn đề cần tập trung thực hiện tạo đột phá đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.

Chuyên gia tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính: 
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần được hoàn thiện 

Có thể thấy, những năm qua, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi, bảo đảm hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế tư nhân được chú trọng và được coi là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh chuyển biến rõ nét; cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh và dần thực hiện số hóa tại các cơ quan công quyền giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp cũng như người dân, tạo môi trường cạnh tranh hấp dẫn. Tôi mong rằng, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện, mang lại những thành tựu mới cho đất nước.

Thạc sĩ Vi Tiến Cường, giảng viên Khoa Quản trị nguồn nhân lực, Trường Đại học Nội vụ: 
Tập trung đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung, cụ thể hóa 3 đột phá chiến lược phù hợp với giai đoạn phát triển mới được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng đề ra. Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm đến đột phá chiến lược thứ hai, đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài.

Để thực hiện tốt khâu đột phá quan trọng này trong giai đoạn mới, tôi cho rằng cần coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm giáo dục và đào tạo gắn với thực tế. Cùng với đó, cần chú trọng chất lượng công tác cán bộ, công chức, viên chức từng bước chuẩn hóa chất lượng cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển chung của xã hội.

Chủ tịch UBND xã Lại Yên, huyện Hoài Đức Nguyễn Ngọc Đức: 
Tạo nền tảng hạ tầng tổng hợp để phát triển

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ 3 đột phá chiến lược, được đặt ở một tầm cao mới và một xu hướng mới, phù hợp với thực tiễn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, các hạng mục hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng quốc phòng, an ninh cần phải tiếp tục xây dựng và củng cố. Tất cả cơ sở hạ tầng này tạo nền tảng cho hạ tầng tổng hợp để xây dựng quốc gia cường thịnh. Vì vậy, hướng đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng mà dự thảo đặt ra không chỉ bó hẹp trong xây dựng cơ sở vật chất mà còn là tổ hợp của tất cả yếu tố vật chất và tinh thần. Các yếu tố này gắn kết với nhau hài hòa, nhưng cũng hết sức chặt chẽ, tạo sức bật cho phát triển... Tôi và nhiều người dân kỳ vọng, những đột phá này sẽ tạo sự phát triển đột phá cho đất nước trong thời gian tới.

Đảng viên Nguyễn Thị Thoa, Chi bộ thôn Họa Đống, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa: 
Hoàn thiện thể chế phát triển để hiện thực hóa mục tiêu

Nếu như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, lần thứ XII của Đảng chỉ đề cập đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được mở rộng là “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”. Cùng với 2 đột phá được dự thảo đặt ra là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, chúng tôi tin tưởng trong giai đoạn mới những đột phá này sẽ hợp thành bộ khung vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Sinh viên Phạm Duy Anh, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội: 
Tạo bước đột phá về phát triển con người

Những ngày qua, tôi và bạn bè cùng hòa chung trong không khí náo nức của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo dõi trên các phương tiện truyền thông về Đại hội, tôi rất ấn tượng với những giải pháp đột phá mà dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra. Thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược là tiền đề quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội rất cụ thể gắn với những dấu mốc phát triển lớn của đất nước. 

Theo tôi, để đạt được những mục tiêu lớn này, đầu tiên phải tạo được bước đột phá về phát triển con người, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, con người luôn đóng vai trò trung tâm và cốt lõi. 

Do đó, thế hệ trẻ chúng tôi luôn phấn đấu học tập, rèn luyện và mong được tạo điều kiện tối đa để cống hiến, đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước.

Nhóm phóng viên