Hà Nội: Truy vết thần tốc ngăn chặn tốc độ lây lan nhanh của dịch Covid-19
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:35, 01/02/2021
Quyết tâm truy vết, không bỏ lọt các trường hợp liên quan ca bệnh
Báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cho biết, từ ngày 30-1 đến 14h ngày 1-2-2021, thành phố Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc mới ngoài cộng đồng, trong đó 11 ca đã được Bộ Y tế công bố, 4 ca chưa được công bố. Công tác truy vết, khoanh vùng, xử lý dịch tiếp tục được triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm không để sót các trường hợp liên quan đến ca bệnh. Các đơn vị, địa phương đã xác định 241 trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh đã công bố. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương còn rà soát, xác định có 72 trường hợp F1 là người Hà Nội liên quan đến các ca bệnh của các tỉnh, thành phố khác; các trường hợp này đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Kết quả, có 3/72 mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2, còn lại 69 mẫu âm tính.
Thành phố Hà Nội cũng đã rà soát được 15.769 người về từ Chi Linh (Hải Dương) từ ngày 1-1-2021 và người về từ Quảng Ninh từ ngày 5-1-2021 đến nay, lấy mẫu xét nghiệm cho 14.652 người, chiếm tỷ lệ 93%. 5.400 mẫu đã có kết quả xét nghiệm, trong đó 5 mẫu có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Từ diễn biến thực tế của dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhận định: Các ca mắc của Hà Nội đều xác định được nguồn lây và có nguồn gốc liên quan đến hai ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh. Tuy nhiên, khác với đợt dịch trước, chủng vi rút lần này lây lan nhanh, thời gian khởi phát cũng nhanh, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 nhiều hơn so với các đợt trước. Vì vậy, một trong những biện pháp cần tiếp tục triển khai quyết liệt là truy vết thật nhanh. Với những đặc điểm của chủng vi rút mới, các đơn vị, ngoài việc truy vết, tìm hết tất cả các trường hợp F1 thì phải quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hợp F2, F3.
Tại cuộc họp, các địa phương có các ca bệnh và có nhiều trường hợp liên quan đến ca bệnh đã báo cáo cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã triển khai. Cụ thể, quận Nam Từ Liêm cho biết có 10 ca bệnh. Đơn vị đã xác định 122 trường hợp F1, 1.709 trường hợp F2 và 466 trường hợp F3. Hai phường có tình hình phức tạp nhất là Xuân Phương và Mỹ Đình 2 hiện đã đang được kiểm soát chặt chẽ. Quận Nam Từ Liêm cũng đã thành lập, giám sát chặt chẽ khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Xuân Phương với 128 trường hợp F1. Toàn bộ các trường hợp F1 này đã được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và đều âm tính.
Huyện Đông Anh báo cáo có 5 ca bệnh, xác định 132 trường hợp F1, 347 trường hợp F2. Huyện đã khởi động lại toàn bộ các hoạt động phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, xây dựng 1.362 khu dân cư an toàn, đồng thời có phương án ứng phó trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn. Trong khi đó, huyện Mê Linh đã thông tin rộng rãi trong toàn bộ nhân dân về lịch trình di chuyển của 3 ca bệnh trên địa bàn, xác định 81 trường hợp F1, 256 trường hợp F2…
Liên quan đến các hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cho biết, đã sẵn sàng các điều kiện thực hiện với phương án bảo đảm an toàn, tuy nhiên trước diễn biến dịch phức tạp, đề nghị thành phố quyết định việc triển khai. Còn Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các đơn vị hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm cho 100% các trường hợp đi về từ Hải Dương và Quảng Ninh trong đêm nay (1-2-2021), đồng thời, tiếp tục truy vết thêm, quyết tâm không bỏ sót các trường hợp liên quan đến ca bệnh hoặc các trường hợp đi từ vùng có dịch về. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tổ chức truy vết thần tốc khi có các ca bệnh mới để ngăn chặn hiệu quả tốc độ lây lan nhanh của dịch Covid-19.
Truy vết tới các trường hợp F3
Kết luận cuộc họp, trước các đề xuất của một số đơn vị về việc triển khai, thông tin kết quả xét nghiệm, việc xử lý rác thải ở khu cách ly..., Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét, có thông tin phản hồi đến cơ sở, người dân nhanh nhất, không để địa phương, người dân bối rối trong bối cảnh hiện nay.
Nhắc lại việc thành lập khu cách ly tại Trường Tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), đồng chí Chử Xuân Dũng cho biết, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã xem xét, quyết định thành lập khu cách ly tập trung ngay tại trường để bảo đảm an toàn và mang tính nhân văn. Việc này đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và cho rằng Hà Nội đã có cách làm phù hợp với thực tế.
Liên quan đến công tác cách ly, để ứng phó với mọi diễn biến phức tạp của dịch thời gian tới, thành phố đã đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ việc thành lập khu cách ly tập trung. UBND thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát các cơ sở có thể sử dụng làm khu cách ly tập trung, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp cần thiết.
Điểm lại diễn biến của dịch Covid-19 trong những ngày qua trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận định: Tình hình lây lan dịch trong cộng đồng đã rõ, cần tiếp tục thực hiện những biện pháp mạnh để ngăn mầm bệnh lây lan. Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp với cấp độ cao như đóng cửa toàn bộ các quán bar, karaoke, vũ trường; yêu cầu các nhà hàng, quán ăn phải có vách ngăn, ngồi giãn cách... Đồng chí Chử Xuân Dũng chỉ đạo: Từ 0h đêm nay (2-2-2021), đề nghị các quán game, internet đóng cửa.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương thống nhất trong nhận thức, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách quyết liệt, tổ chức truy vết thần tốc để ngăn mầm bệnh lây lan.
Theo đồng chí Chử Xuân Dũng, hiện nay các nhà trường trên địa bàn thành phố đã tạm dừng việc tổ chức dạy học, tuy nhiên cần nắm bắt đầy đủ về tình hình sức khỏe của học sinh, đề nghị phụ huynh học sinh quản lý chặt chẽ con em ở nhà, hạn chế tối đa việc di chuyển tự phát.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc truy vết, khoanh vùng và tổ chức cách ly các trường hợp liên quan đến ca bệnh, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện, quản lý tốt các trường hợp cách ly; tập trung truy vết tới cả các trường hợp F3 để chủ động ứng phó với các tình huống; tăng cường năng lực xét nghiệm, đồng thời thông tin sớm về kết quả xét nghiệm cho người dân.
Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn trong các cơ quan, đơn vị, thành phố đang xây dựng dự thảo Chỉ thị về việc nâng cao cấp độ phòng, chống dịch, dự kiến ban hành vào ngày mai (2-2-2021). Thành phố đề nghị các địa phương tăng cường công tác truyền thông, kêu gọi người dân đi về từ vùng có dịch tự giác khai báo y tế; huy động người dân hỗ trợ công tác truy vết để khoanh vùng nhanh hơn, ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch. “Thành phố kêu gọi sự chung sức của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng trong việc tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm ngăn chặn dịch hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.