Ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong canh tác rau
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:36, 01/02/2021
Năm 2020, Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm triển khai mô hình thử nghiệm giống rau bắp cải chịu nhiệt và giống kháng sâu tơ tại xã Văn Đức. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây giống và được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình trồng bắp cải có ứng dụng quản lý dịch hại, đạt hiệu quả tốt. Cụ thể, thời gian cho thu hoạch bắp cải ngắn hơn, trọng lượng nặng hơn, giảm tình trạng cháy lá; chi phí cây giống thấp hơn, năng suất cao, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu cực đoan...
Từ thành công này, Gia Lâm tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất giống rau bắp cải chịu nhiệt và giống kháng sâu tơ trên địa bàn huyện nhằm giúp nông dân tăng thu nhập và tạo nguồn cung rau bảo đảm an toàn, chất lượng...
Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho hay, hiện 100% số hộ sản xuất rau trên địa bàn xã đã áp dụng việc dùng bẫy bả sinh học để bắt sâu các loại (ruồi đục thân, bướm…) với chi phí thấp, hạn chế 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, chất lượng rau an toàn nâng cao, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất bền vững.
Không riêng Gia Lâm, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, nhiều địa phương đã ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất tại các vùng rau an toàn. Anh Vương Sỹ Thành - hộ trồng rau quy mô lớn tại xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) chia sẻ, với 2ha đất thuê của các hộ dân, anh quy hoạch vùng rau an toàn diện tích 3.600m2, chủ yếu trồng rau cải, rau muống hạt, súp lơ, cải bắp… Toàn bộ được thực hiện theo mô hình khép kín, hệ thống tưới tự động, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất (sử dụng màng phủ với rau ăn lá; dùng bẫy bả sinh học với các loại rau, củ). Kết quả, cây trồng phát triển tốt, năng suất cao, không tồn tại hàm lượng kim loại nặng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, đạt độ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị kinh tế cao hơn 3,3 triệu đồng/sào/vụ so với phương pháp cũ...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng thông tin: Vụ xuân 2021, huyện Đông Anh gieo trồng hơn 800ha rau an toàn. Để hạn chế sâu bệnh và nâng cao chất lượng rau an toàn, thời gian qua, huyện đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác, như: Dùng bẫy dính màu, bả chua ngọt và bẫy bả protein trong phòng trừ sâu hại rau; sử dụng màng phủ passlite của Nhật Bản vào sản xuất rau trái vụ... đạt hiệu quả tốt với mức tiêu thụ trung bình 215 tấn rau xanh/ngày...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, tính riêng năm 2020, đơn vị đã đưa 41 ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố như: Quản lý dịch vụ tổng hợp (IPM) trên cây rau, sử dụng bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang và sâu đục cà chua; sử dụng bẫy dính phòng trừ sâu hại trên rau ăn lá... Các mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố bước đầu đạt hiệu quả khả quan, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; hạn chế sâu bệnh mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Phát huy thành quả, năm 2021, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh nhân rộng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm giúp đạt hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân.