Trí thức Việt Nam góp phần phát triển đất nước: Cần những quyết sách chiến lược

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 02/02/2021

(HNM) - Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong hoạch định, triển khai chiến lược phát triển đất nước. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, cần thiết phải có thêm những quyết sách mang tầm chiến lược để đội ngũ trí thức Việt Nam phát huy vai trò, góp phần phát triển đất nước.

Đoàn cán bộ Trường Đại học Dược Hà Nội tham quan khu sản xuất thuốc theo dây chuyền tự động, vô trùng của Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội.

Vẫn còn “điểm nghẽn“

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến giới trí thức, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát triển, đóng góp tốt hơn cho quá trình đổi mới, phát triển đất nước. Đặc biệt, sau hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ trí thức nước ta đã phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hà Nội là nơi tập trung hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước. Còn số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.

Cũng vì vậy, thời gian qua, Hà Nội đã tranh thủ các nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức trên địa bàn tham gia xây dựng Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, Thủ đô, sự đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của con người Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài của Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Cùng liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Phùng Ngọc Tấn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Việt Nam đang có khoảng 400 nghìn trí thức Việt kiều ở các nước, trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao, song chính sách thu hút nguồn chất xám này trở về cống hiến, đóng góp xây dựng đất nước chưa thật sự hiệu quả.

Còn theo Tiến sĩ Trần Hồng Quang, Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay ở nước ta là phát triển kinh tế tri thức, trong đó đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng. Song, tiền đề để phát triển kinh tế tri thức ở nước ta vẫn chưa hình thành rõ; khoa học và công nghệ chưa thật sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo nền tảng tư liệu lao động mới về chất cho toàn bộ nền kinh tế. Đây là một trong những “điểm nghẽn” căn bản cho sự phát triển đột phá của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo của nước ta hiện nay.

Khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Để bắt kịp với sự phát triển của thế giới và phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, trước hết là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với tầm nhìn đến năm 2030, 2045 vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, việc đề ra những quyết sách mang tầm chiến lược trong xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức càng trở nên cấp thiết.

Theo Tiến sĩ Phùng Ngọc Tấn, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được đề ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TƯ; mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực vượt trội và có triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

Để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, thành phố cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức, đồng thời thu hút sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế cùng vào cuộc, đồng hành vì sự phát triển Thủ đô.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Viện đang xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để trình Chính phủ. Việc xây dựng chiến lược này dựa trên yêu cầu của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Đề án chiến lược này sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi từ cơ chế, chính sách đến hoàn thiện môi trường cho hoạt động của đội ngũ trí thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển và hội nhập mạnh mẽ.

Thu Hằng