Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới: Cần nghiên cứu kỹ

Đời sống - Ngày đăng : 08:14, 03/02/2021

(HNMO) - Những năm gần đây, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (gọi chung là thuốc lá thế hệ mới) xuất hiện nhiều trên thị trường. Do là sản phẩm mới, còn có những quan điểm, cách hiểu khác nhau, vì thế việc xây dựng khung pháp lý quản lý thuốc lá thế hệ mới cần được nghiên cứu kỹ.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử (tháng 11-2020).

Ý kiến vẫn còn khác biệt

Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang chủ trì soạn thảo khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới, trong bối cảnh hàng nhập lậu đang tăng nhanh trên thị trường nhưng các cơ quan chức năng chưa có hướng xử lý vì thiếu vắng các chính sách quản lý.

Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn duy trì quan điểm nên cấm dòng sản phẩm này. Theo quan điểm của đại diện Bộ Y tế, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thuốc lá điện tử còn bị lợi dụng để sử dụng các chế phẩm ma túy, do đó cần cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như kinh doanh, sử dụng. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đang xem xét xây dựng tiêu chí kỹ thuật đối với thuốc lá thế hệ mới.

Trên thế giới, các tổ chức quốc tế và các quốc gia đang đưa ra các quan điểm khác nhau với thuốc lá thế hệ mới.

Về mặt phân loại sản phẩm, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã thông qua đề xuất sửa đổi Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa qua đó, tạo ra thêm một phân nhóm mới 2404 cho thuốc lá thế hệ mới, tách biệt với phân nhóm 2402 dành cho thuốc lá điếu truyền thống. Phiên bản sửa đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.

Châu Âu là một trong những thị trường ủng hộ thuốc lá thế hệ mới và có chính sách quản lý thuốc lá thế hệ  mới “dễ thở” hơn so với thuốc lá truyền thống. Một số quốc gia khác thì quản lý như thuốc lá truyền thống và cũng có quốc gia quyết định cấm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Đánh giá tác động kinh tế - xã hội trước khi luật hóa

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cấm thuốc lá thế hệ mới là không khả thi vì người tiêu dùng Việt Nam vẫn có nhu cầu, và thị trường sản phẩm nhập lậu vẫn tràn lan. Tuy nhiên, cần thời gian để nghiên cứu kỹ một khung pháp lý và đánh giá tác động kinh tế - xã hội trước khi chính thức mở cửa thị trường với thuốc lá thế hệ mới.

Theo bà Phan Minh Thủy, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc đưa ra chính sách nào cũng cần nghiên cứu rất kỹ và có các giải pháp toàn diện, từ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến quy định về kinh doanh (như sản xuất, phân phối, tiêu thụ, đầu tư, mua bán nguyên liệu), quy định về quảng cáo, thuế, biện pháp xử lý vi phạm.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thuốc lá thế hệ mới không phải là mặt hàng thiết yếu và còn khá lạ lẫm nên cần thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, có thêm thời gian đánh giá tác động riêng về mặt kinh tế, xã hội, sức khỏe người tiêu dùng, mức độ rủi ro của sản phẩm…

Trên cơ sở đó, xây dựng khung pháp lý phù hợp, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và không làm gia tăng thị trường thuốc lá bất hợp pháp.

Ngoài ra, theo ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn - Chất lượng Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới có sự khác biệt về đặc tính và cách thức hoạt động. Vì thế, cần có thời gian nghiên cứu, định ra các quy định quản lý, tiêu chí kỹ thuật, đánh giá sự tương đồng giữa các sản phẩm, đo lường tiềm năng giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe người dùng và cộng đồng.

Tuy nhiên, nếu thiếu vắng khung pháp lý thì sẽ rất khó xử lý hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc đang tràn vào Việt Nam. Trong tình hình này, một số chuyên gia cho rằng trước mắt cơ quan quản lý có thể xem xét xử lý thuốc lá thế hệ mới bất hợp pháp như thuốc lá điếu nhập lậu để áp dụng chung các quy định xử phạt trong khi chờ ban hành chính sách quản lý riêng cho cả thuốc lá thế hệ mới.

Hà Linh