Nga - Mỹ gia hạn Hiệp ước New START: Bước đi tích cực
Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 05/02/2021
Theo thỏa thuận cách đây 5 năm, New START sẽ hết hạn vào ngày 5-2. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 26-1 và đạt được thỏa thuận về việc kéo dài thời hiệu văn kiện thêm 5 năm, đến ngày 5-2-2026. Theo đó, hai bên sẽ hoàn thiện các thủ tục cần thiết để bảo đảm cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng này tiếp tục có hiệu quả đối với việc hạn chế kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên ở mức 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng.
Bên cạnh đó, hiệp ước có điều khoản hai bên phải thông báo cho nhau bất cứ khi nào sản xuất, triển khai hoặc di chuyển tên lửa, đầu đạn hoặc máy bay ném bom. Mỗi bên có thể yêu cầu tới 18 cuộc kiểm tra tại các địa điểm triển khai vũ khí của bên kia hằng năm, ngoài thông tin tình báo thu được từ các vệ tinh do thám và các hoạt động giám sát khác. Những chi tiết kỹ thuật này cho thấy lợi ích vô cùng lớn của việc minh bạch các hoạt động liên quan tới vũ khí hạt nhân khi vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu hơn 10.000 phương tiện, vũ khí loại này.
Nhìn lại quá trình đàm phán gia hạn hiệp định trong suốt những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể thấy ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm J.Biden đã có một quyết sách nhanh và đột phá. Nếu như cách đây nửa năm, phía Mỹ đã đưa ra các điều kiện mà Nga cho rằng rất khó khả thi, liên quan đến yêu cầu Trung Quốc phải tham gia hiệp ước hay bổ sung các chế độ kiểm chứng việc thực thi thỏa thuận, thì nay chính quyền mới của Mỹ đã có sự thay đổi căn bản về cách tiếp cận trong vấn đề New START.
Việc Mỹ nhanh chóng đạt được đồng thuận với Nga trong gia hạn hiệp ước cũng thể hiện rõ quan điểm ủng hộ kiểm soát vũ khí hạt nhân của Tổng thống J.Biden. Trên thực tế, sau cuộc bầu cử gây chia rẽ, ông chủ mới của Nhà Trắng có rất nhiều việc phải làm để hàn gắn nước Mỹ cũng như giải quyết hàng loạt khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong khi đó, việc xóa bỏ New START để đàm phán một thỏa thuận thay thế sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và có thể tạo ra một khoảng trống về an ninh đối với nước Mỹ, kèm theo khả năng xuất hiện chạy đua vũ trang. Điều này sẽ gây thêm bất lợi cho chính quyền của Tổng thống J.Biden.
Nhiều nhà bình luận cho rằng, lựa chọn cân bằng trong quan hệ với Nga sẽ giúp nhà lãnh đạo mới của Mỹ giảm bớt áp lực từ bên ngoài. Qua đó, Washington có thể gia tăng cơ hội đối thoại với Mátxcơva khi ngày càng nhiều nhà lãnh đạo phương Tây thừa nhận rằng, các vấn đề lớn của châu Âu và thế giới sẽ khó giải quyết nếu thiếu sự tham gia của xứ Bạch dương. Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Viktor Bondarev cũng nhận định, mức độ tin cậy giữa Nga và Mỹ đang tăng lên.
New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí then chốt giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Do đó, khung pháp lý của hiệp ước có thể là cơ sở và nền tảng duy nhất để hướng tới những mục tiêu xa hơn trong tương lai. Sự kiện này cũng mang đến niềm tin rằng hai nước có thể tiếp tục thương lượng, cùng tìm ra những điểm chung để thúc đẩy hợp tác, củng cố hơn nữa an ninh, hòa bình và ổn định trên thế giới.