Mua sắm trực tuyến: Giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả

Kinh tế - Ngày đăng : 09:47, 07/02/2021

(HNMO) - Lo ngại phải đến chỗ đông người trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ít người tiêu dùng lựa chọn đặt mua hàng Tết qua các trang mạng xã hội, dịch vụ mua sắm trực tuyến của các siêu thị, sàn thương mại điện tử... Chỉ việc lựa chọn cửa hàng uy tín là việc mua sắm được giải quyết nhẹ nhàng với đủ loại hàng hóa phong phú từ bánh kẹo, đồ ăn, thức uống tới trang trí nhà cửa..., lại có người giao hàng tận nhà, rất tiện lợi.

 Ngay từ đầu năm, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội đã triển khai kênh bán hàng trực tuyến để hỗ trợ kênh bán hàng truyền thống nhằm bảo đảm doanh số, cũng như đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết nguyên đán.

Chị Lê Ngọc Lan (trú tại ngõ 450 đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, năm nào cũng đến sát Tết mới được nghỉ nên việc mua sắm rất vất vả, lại không đầy đủ. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh bùng phát, chị đã quen với việc mua sắm online và lựa chọn được không ít shop online uy tín.

Đặc biệt, Tết này chị Lan khá thoải mái, thanh nhàn không phải lo nấu nướng nhiều vì yên tâm đặt một loạt món ăn Tết từ nem cua bể, bánh chưng, thịt đông, cá kho, giò xào… rất ngon qua kênh online của Tổng công ty Thương mại Hà Nội. “Thậm chí, tôi còn đặt mua bộ cúng ông Công ông Táo, vàng mã, hoa tươi, trái cây, quả Phật thủ… đầy đủ cả, rất tiện lợi. Đây cũng là một cách giúp chị em phụ nữ chu toàn được việc nước, việc nhà”, chị Lan vui vẻ chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Hồng Anh (trú tại chung cư 17T1 Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy) cho biết: “Dịp Tết, ngại nhất là phải đi mua sắm đông đúc, chen lấn, xếp hàng... Chưa kể, còn phải ôm cả đống đồ về nhà rất vất vả. Nên giờ tôi chuyển sang đi chợ online để tránh cảnh chen nhau mua sắm, rất mất an toàn trong thời điểm dịch bệnh”.

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các sàn thương mại điện tử triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi, cùng nguồn hàng phong phú để thu hút người tiêu dùng. Cụ thể, sàn Tiki mang đến chương trình khuyến mãi hấp dẫn giảm giá đến 50% cùng dịch vụ giao hàng xuyên Tết, kỳ vọng tăng trưởng lên đến 70% so với cùng kỳ. Sendo đã xây dựng chức năng Chợ Tết Sendo giúp khách hàng có thể mua sắm các mặt hàng bánh mứt, lạp xưởng, bia, nước ngọt... đến quần áo Tết, sản phẩm chăm sóc bản thân và nhà cửa. Đồng thời, hoàn thiện ví thanh toán điện tử Senpay, liên kết với Zalopay, các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV... mang lại các ưu đãi lớn nhất trong năm cho khách hàng mua sắm dịp Tết.

Tương tự, FPT Shop cũng hỗ trợ khách hàng mua sản phẩm qua website FPT Shop, có thể hoàn tất đơn hàng và thanh toán online trong vòng vài phút. Đến hiện tại, hầu hết các sàn thương mại điện tử đều mở dịch vụ giao hàng xuyên Tết. Cụ thể, Tiki Now sẽ triển khai giao hàng đến 29 Tết âm lịch và quay trở lại làm việc như bình thường vào mùng 6 Tết. Đặc biệt, Shopee đã làm việc với các nhà bán hàng, thương hiệu và các đối tác vận chuyển để triển khai chương trình giao hàng xuyên Tết từ 30 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng.

Để bảo đảm sức mua tăng trưởng trong dịp Tết nguyên đán này, mô hình bán hàng trực tuyến, đi chợ online… đang được nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn đẩy mạnh triển khai. Những hình thức kinh doanh này được đánh giá đã phát huy hiệu quả rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Chỉ mới có 2 tiếng đầu giờ sáng mà hàng trăm đơn hàng bánh kẹo và mứt Tết đã được Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội tiếp nhận và sẵn sàng chuyển đến tay người tiêu dùng. Với dịch vụ bán hàng trực tuyến được triển khai, lượng hàng bán ra đã tăng mạnh, trái với sức mua tại kênh bán hàng truyền thống bị sụt giảm trong những ngày qua. Bà Lê Thị Phương Ngọc, phụ trách truyền thông Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết: “Đánh giá sức mua của thị trường năm nay sẽ giảm từ 5% đến 10% so với cùng kỳ, nên ngay từ đầu năm, chúng tôi đã triển khai kênh bán hàng online để hỗ trợ kênh bán hàng truyền thống nhằm bảo đảm doanh số, cũng như đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán năm 2021”.

Trong khi đó, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng Tết của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nhà phân phối đã tăng tới 30% lượng hàng Tết được bán ra mỗi ngày thông qua kênh phân phối hàng hoá trực tuyến. Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart cho biết, để phục vụ nhu cầu của khách hàng không muốn ra khỏi nhà, không muốn tập trung đông người, chúng tôi đã tăng cường mạnh dịch vụ đi chợ hộ và giao hàng hoàn toàn miễn phí cho khách hàng. Ghi nhận của chúng tôi trong những ngày vừa qua cho thấy, dịch vụ này đã được đón nhận tích cực và doanh số đã tăng gấp đôi so với ngày bình thường.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, nhằm phục vụ mua sắm online, hiện Hapro đã phối hợp với Công ty TNHH bán lẻ BRG Retail đẩy mạnh triển khai hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite.

Tương tự, siêu thị Co.opmart đã đẩy mạnh triển khai mua sắm online và website. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, các điểm bán hàng online của siêu thị đều có số điện thoại đặt hàng riêng nhằm phục vụ tốt nhất người tiêu dùng lúc cao điểm mua sắm. Ngoài ra, Co.opmart liên kết với Grab và Now trong việc vận chuyển hàng hóa miễn phí 5km tới người mua.

Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (đơn vị quản lý vận hành chuỗi Đại siêu thị GO!/Big C trên toàn quốc), ngoài việc nhận đơn hàng qua điện thoại, website như trước, trong mùa Tết này, đơn vị tăng cường nhận đơn hàng qua kênh Zalo, giao hàng miễn phí.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp đã thay đổi nhiều hình thức kinh doanh theo phương thức truyền thống và thương mại điện tử như đi chợ online, chợ của nhà mình, chợ xuống phố nên hiện nay mô hình kinh doanh này đang tăng trưởng trên 30% và còn tiếp tục tăng.

Thanh Hiền