Đồng hành cùng phát triển

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 08/02/2021

(HNM) - Những năm qua, nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học đã được ứng dụng vào thực tiễn thông qua sự hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp. Để các đề tài nghiên cứu không “nằm trên bàn giấy”, một số đơn vị đã chủ động liên kết hoặc thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Nhiều mô hình đã thành công và khẳng định, sự gắn kết chặt chẽ giữa hai chủ thể này là hướng đi đúng đắn, tạo cơ hội, động lực phát triển cho nhau.

Điển hình như Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất... đã thành lập doanh nghiệp để đưa tiến bộ khoa học ứng dụng vào thực tiễn; hay nhiều kết quả tích cực đã “đơm hoa, kết trái” từ sự liên kết giữa Công ty cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông với Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội... Dù vậy, những mô hình này không nhiều và chưa trở thành dòng phát triển chủ lưu của các viện nghiên cứu, trường đại học.

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, như: Các viện nghiên cứu, trường đại học chưa chủ động, sáng tạo tìm đầu ra cho kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ; nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin, thậm chí là chưa đủ niềm tin với sản phẩm công nghệ trong nước... Nhưng sâu xa nhất phải kể đến việc các nghiên cứu khoa học, công nghệ chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, khoa học, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Do đó, để các đề tài nghiên cứu đến được với doanh nghiệp, trở thành hàng hóa, rất cần sự đồng hành, chung sức nhiều hơn nữa giữa các bên.

Trước hết, các viện nghiên cứu, trường đại học phải gắn công tác nghiên cứu với thực tiễn. Tính ứng dụng cao, hiệu quả thiết thực của đề tài, dự án sẽ là con đường ngắn nhất giúp các doanh nghiệp thương mại hóa thành công sản phẩm khoa học. Từ đó, các đơn vị nghiên cứu sẽ khẳng định được thương hiệu, uy tín, xây dựng nền tảng để dần chiếm lĩnh thị trường nội địa, thay thế nguồn công nghệ nhập khẩu đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy chuyển giao khoa học, công nghệ, nhưng bản thân các viện nghiên cứu, các trường đại học cần tập trung nghiên cứu những lĩnh vực có đầu ra gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh; đưa các tiêu chí kinh tế vào hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Cùng với đó, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá kết quả nghiên cứu tới các doanh nghiệp, để hướng đến hợp tác lâu dài, cùng nhau phát triển.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, cần chủ động đặt hàng nghiên cứu và có sự đầu tư xứng tầm cho đổi mới khoa học, công nghệ. Bởi, ứng dụng tốt sản phẩm khoa học, công nghệ vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, không bị đào thải trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Bên cạnh hai chủ thể chính có vai trò then chốt nêu trên, cũng cần thêm những cú hích từ cơ chế, chính sách của Nhà nước để huy động vốn đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ; xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn cho hoạt động này; có ưu đãi với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Và để tạo môi trường thúc đẩy chuyển giao khoa học, công nghệ, cần đẩy mạnh phát triển các tổ chức trung gian làm cầu nối cho cung - cầu gặp nhau, như: Sàn giao dịch công nghệ; trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ...

Khi các yếu tố cần và đủ hình thành, cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu sẽ có thêm cơ hội đồng hành cùng phát triển, từ đó góp phần cải thiện năng lực đổi mới, sáng tạo quốc gia.

Thiện Mỹ