Giá nông sản, thực phẩm giảm mạnh ngày cận Tết

Nông nghiệp - Ngày đăng : 16:08, 09/02/2021

(HNMO) - Ngày 9-2 (tức 28 tháng Chạp năm Canh Tý), khác với mọi năm, giá nông sản, thực phẩm giảm mạnh từ trang trại tới siêu thị, chợ dân sinh. Nguồn cung dồi dào, nhưng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của thị trường, khiến sức mua giảm mạnh.

Giá thịt lợn hơi giảm mạnh từng ngày.

Giá rau, thịt tiếp tục giảm

Ngày 9-2, giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước tiếp tục giảm, trong đó tại miền Bắc giảm từ 1.000 đến 5.000 đồng/kg so với ngày hôm qua (8-2), dao động trong khoảng 74.000-80.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, giá thịt lợn hơi đồng loạt giảm 3.000 đồng/kg, xuống mức 77.000-78.000 đồng/kg. Tại thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, giá thịt lợn hơi hôm nay đi ngang, được thu mua với giá 79.000-80.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi dao động trong khoảng 75.000-80.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thịt lợn hơi dao động trong khoảng 78.000-81.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg.

Theo ông Đặng Văn Mỳ (ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), trang trại của gia đình ông có 50 con lợn bán trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Nếu những năm trước, thời điểm cận Tết, giá thịt lợn hơi thường tăng mạnh, thì năm nay, giá lại giảm mạnh. Chỉ trong vòng một tuần qua, giá thịt lợn hơi giảm 10.000 đồng/kg, hoàn toàn ngược với dự báo của người chăn nuôi và doanh nghiệp kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá thịt lợn hơi giảm một phần do nguồn cung khá dồi dào; các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng phục vụ thị trường Tết. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố đã kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở để ngăn chặn việc xuất khẩu tiểu ngạch thịt lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn.

Cùng với mặt hàng thịt lợn, giá các loại rau xanh rẻ từng ngày. Theo bà Nguyễn Thị Khuê (ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nhà bà có 2 mẫu rau, trồng su hào, bắp cải, cà chua, khoảng một tuần nay, thương lái không đến thu mua, gia đình phải mang bán ở chợ dân sinh. Hiện giá rau cải muối dưa chỉ 1.000-2.000 đồng/kg, cà chua 5.000 đồng/kg, su hào 2.000-3.000 đồng/củ, lơ xanh 5.000-6.000 đồng/chiếc..., rẻ còn 1/3 so với cách đây một tháng. "Hôm nay là 28 tháng Chạp, do ảnh hưởng của mưa, các loại rau xanh được tiêu thụ rất chậm, vì lượng người đi chợ giảm hơn so với ngày hôm qua", bà Khuê cho hay.

Giá các loại rau xanh giảm mạnh ngày cận Tết.

Hàng hóa tại siêu thị phong phú

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 28 tháng Chạp, một số siêu thị lớn, như: Big C Thăng Long, Aeon Mall Long Biên, VinMart, MM Mega Maket... đều bố trí nhân viên đo thân nhiệt tại cửa ra vào và chuẩn bị đầy đủ nước sát khuẩn để phòng dịch. Đặc biệt, hàng hóa được bày bán rất phong phú, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giảm giá 30-50%. Do trời mưa lạnh, lượng khách đến mua sắm có tăng song không đột biến.

Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Maket cho biết, càng những ngày cận Tết sức mua càng cao, ước tính dịp này, lượng hàng hóa tiêu thụ tăng 10% so với năm ngoái. Các hàng bánh kẹo, trái cây, nông sản, đồ khô, rượu, bia... thu hút đông người mua nhất.

Bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Vận hành VinMart toàn quốc thông tin, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua sắm trực tiếp tại thời điểm gần Tết chỉ tăng nhẹ so với những ngày trước, bù lại, các đơn hàng trực tuyến tăng 200%. Nắm bắt nhu cầu của người dân, hầu hết siêu thị đều có sự chuẩn bị từ nhân lực tới hàng hóa. Đội ngũ nhân viên thu ngân được tăng cường thêm 20-30% với hàng chục quầy thanh toán để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đội ngũ chuyển hàng của siêu thị và các đối tác cũng được tập trung nhằm bảo đảm nhu cầu mua hàng online tăng mạnh. Do đó, hôm nay, chưa có hiện tượng xếp hàng dài tại các quầy thanh toán ở các siêu thị.

Những ngày này, hoạt động mua bán tại các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng online trên mạng xã hội tiếp tục nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Hòa (chung cư Times City, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Năm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi chuyển hẳn sang mua sắm hàng Tết qua mạng. Hiện có nhiều siêu thị, nhà cung cấp hàng hóa, thực phẩm rất uy tín nên tôi hoàn toàn yên tâm mua và nhận hàng tại nhà...".

Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nhằm ổn định thị trường, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lực lượng quản lý thị trường tổ chức ứng trực 24/24 giờ. Theo đó, duy trì tốt việc quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh và thực hiện báo cáo cập nhật đầy đủ, kịp thời tình hình thị trường. Toàn bộ lực lượng quản lý thị trường sẵn sàng ứng phó và vào cuộc trong trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

Dung - Hà