Thành phố Hồ Chí Minh cần có kế hoạch 4 tuần khắt khe chống dịch
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:43, 10/02/2021
Theo CDC thành phố Hồ Chí Minh, trường hợp nghi nhiễm này được phát hiện trong lần 2 xét nghiệm, nên cơ quan Y tế quyết định tiến hành xét nghiệm lần 3, đúng tinh thần “quét đi, quét lại” nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất để tầm soát Covid-19 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo hôm qua, 9-2.
Với các nhân viên khác làm việc tại sân bay, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xét nghiệm trước 24h những người sẽ đến làm việc ngày sau đó, ai âm tính với vi rút SARS-CoV-2 mới được đi làm. 900 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất có kết quả xét nghiệm âm tính ngày 9-2 đã được vào sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày 10-2.
Cùng với việc xét nghiệm nhân viên sân bay, CDC thành phố Hồ Chí Minh còn tiến hành xét nghiệm sàng lọc Covid-19 với người nhà của họ. Tính đến 10h30 ngày 10-2, cơ quan Y tế đã tiếp cận 926/1.569 hộ gia đình (bao gồm 2.836 người).
Cũng trong ngày 10-2, cơ quan Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có kết quả xét nghiệm 99 bệnh nhân từng đến khám tại Bệnh viện Quân y 175 trong cùng khung giờ với bệnh nhân 1.979 (các ngày 3 và 5-2), kết quả cả 99 người đều âm tính. Những bệnh nhân khác từng đến Bệnh viện Quân y 175, dù khác khung giờ, nhưng cùng ngày 3 và 5-2 cũng sẽ được lấy mẫu xét nghiệm.
Tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nêu quan điểm: “Thành phố cần công bố một kế hoạch 4 tuần áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khắt khe, trong đó, toàn hệ thống chính trị, mỗi gia đình, mỗi người dân cùng vào cuộc. Đây là cách tốt nhất để kiểm soát lây nhiễm dịch”.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh, chiều 10-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch và có những chỉ đạo cụ thể.
Thứ nhất, Bộ Y tế cần ưu tiên đáp ứng ngay các vật tư y tế theo đề nghị của thành phố Hồ Chí Minh về cung cấp bộ kit xét nghiệm kháng nguyên để đáp ứng nhanh cho công tác chống dịch.
Thứ hai, yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh chú ý lấy mẫu xét nghiệm ở những bến tàu, bến xe, quán cà phê, giải khát gần các nhà máy, khu công nghiệp... để xem xét khả năng tồn tại của dịch ở trong cộng đồng.
Thứ ba, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng triệt để Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trong các ngành, lĩnh vực mà thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành, để phòng dịch trong thời gian sắp tới.
Giáo viên, học sinh phải khai báo y tế khi trở lại trường sau Tết
Để bảo đảm an toàn khi học sinh quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi các trưởng phòng giáo dục và đào tạo; lãnh đạo các cơ sở giáo dục của thành phố, yêu cầu tăng cường theo dõi, cập nhật đối tượng F0, F1, F2 và khai báo y tế, khi học sinh đi học trở lại sau Tết.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu người đứng đầu các đơn vị bố trí nhân sự trực, giữ liên lạc, kết nối xuyên suốt với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh trong thời gian nghỉ Tết, đặc biệt thường xuyên cập nhật các trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh thuộc đối tượng F0, F1, F2… hoặc đối tượng sinh sống tại các khu vực đang bị cách ly, phong tỏa do dịch Covid-19.
Trường học tổ chức khai báo y tế đối với tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố vào ngày đầu tiên đi học trở lại sau Tết Nguyên đán, đồng thời báo cáo số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh có đi đến các tỉnh, thành ngoài thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 2-2 đến 16-2.