Nhà sàn Bác Hồ - di tích đặc biệt thể hiện một nhân sinh quan đặc biệt
Văn hóa - Ngày đăng : 06:06, 10/02/2021
Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng trở về Thủ đô. Là Chủ tịch nước song Người từ chối ở ngôi nhà sang trọng trong dinh Toàn quyền Đông Dương với lý do để dành nơi này làm nơi tiếp khách của Đảng và Nhà nước, và Người chỉ ở ngôi nhà được bố trí cho một người thợ điện tại đây. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó cũng theo gương Bác, ở trong ngôi nhà của một người phục vụ khác, cách nhà Bác một cái sân, cùng dùng chung một nhà bếp. Nhà một tầng, muỗi nhiều, Bộ Chính trị định xây một căn nhà để Bác ở, nhưng Người chưa đồng ý. Năm 1957, sau chuyến thăm hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường về, Bác trầm ngâm suy nghĩ rồi nói với các đồng chí phục vụ: “Bác muốn làm một căn nhà sàn ở bên kia bờ ao để ở và làm việc cho thoáng”.
Theo ý Bác, mùa hè năm 1958, Cục Thiết kế cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần được giao thiết kế, thi công ngôi nhà sàn. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, Cục trưởng Cục Thiết kế dân dụng, Bộ Kiến trúc, người từng thiết kế Lễ đài Ba Đình và Đài liệt sĩ Ba Đình được giao nhiệm vụ thiết kế. Bác đã trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh: “Chú làm giống như ngôi nhà sàn Bác đã ở Chiến khu Việt Bắc nhưng bằng gỗ, tầng trên có hai phòng nhỏ, mỗi phòng vừa đủ để cho một người ở...”. Người cũng nhắc nhở: “Cần làm hành lang xung quanh để khi có các đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác có lối đi..., lợi dụng vách ngăn hai phòng làm một giá sách cho gọn, tiết kiệm và tiện sử dụng”.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh mặc dù trước đó đã được giao thiết kế nhiều công trình lịch sử, nhưng lần này luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để ngôi nhà thể hiện được không chỉ cuộc sống của Bác mà còn thể hiện được tư tưởng của Người: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi”. Qua thời gian phác thảo, nghiên cứu, thiết kế sơ bộ, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh hoàn thành bản vẽ và báo cáo Bác, Người đã rất hài lòng: “Chú làm việc rất đúng ý của Bác”.
Ngày 17-5-1958, đúng dịp mừng sinh nhật lần thứ 68 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn được khánh thành. Bác Hồ mời cơm kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh cùng đội thi công. Đến 16h, mọi người đã tập trung khá đông đủ, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh bận việc, có mặt quá giờ hẹn độ 2 phút, Bác đợi và bảo mọi người ra ngoài vườn chụp ảnh kỷ niệm, khi người chụp ảnh giương máy lên định chụp thì Nguyễn Văn Ninh chạy tới... Bác vẫy tay gọi Nguyễn Văn Ninh đến ngồi cạnh, thân ái hài hước: “Chú đến muộn rồi nhé. Bác đặt tên cho chú là Kiến. Kiến ở đây có nghĩa là kiến trúc sư, vừa có nghĩa là kiến bò chậm, đến muộn...!”.
Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc, dài 10,5m và rộng 6,2m, có 2 tầng. Tầng trên có hai phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng khoảng 10m2 dùng làm nơi ngủ và làm việc, với những tiện nghi sinh hoạt hết sức đơn giản: Một giường, một bàn, ghế, giá sách, máy chữ, quạt lá cọ... Tầng dưới là nơi họp Bộ Chính trị, cũng là nơi tiếp một số đoàn khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là các đoàn cán bộ miền Nam và các cháu thiếu nhi. Nhà sàn ở trong khu vườn Phủ Chủ tịch, bên cạnh ao cá, giữa vườn cây với nhiều loại của cả ba miền như nhài, ngâu, dâm bụt, phượng vĩ, cam, bưởi, chuối, vú sữa, dừa...
Nhà sàn Bác Hồ là một di tích đặc biệt trong Khu di tích đặc biệt, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có quãng thời gian sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Tại ngôi nhà gỗ đơn sơ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều tác phẩm thiêng liêng, giá trị, tiêu biểu như: “Lời kêu gọi đồng bào quyết tâm đấu tranh chống Mỹ xâm lược ngày 17-7-1966” với lời khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”… Cũng tại đây, khi nghe tin Hợp tác xã Ngũ Xá có ý định đúc tượng Bác bán thân bằng đồng, ngày 11-1-1969, Bác bảo đồng chí phục vụ: “Chú sang nói với Trung ương, trong lúc đồng khan hiếm không được làm như vậy. Đem số tiền định đúc tượng Bác xây thêm cho các cháu một phòng học. Biết bao anh hùng, liệt sĩ sao không đúc tượng lại đúc tượng Bác”...
Tổng thống Liên bang Nga V. Putin khi đến thăm Nhà sàn Bác Hồ vào tháng 2-2001 đã viết: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ mới, thế kỷ của hòa bình tiến bộ; song những tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng cho tương lai, và lịch sử thế giới mãi nhắc về Người như một bậc thánh nhân”.
Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu nổi tiếng Italia - Amedeo Cilento, đã nói tại một hội thảo kiến trúc quốc tế tại Việt Nam, diễn ra vào ngày 14-9-2013: “Nếu tòa nhà La Rotonda do kiến trúc sư Palladio thiết kế là biểu tượng cho bản Tuyên ngôn của kiến trúc thời kỳ Phục hưng Ý, thì nhà sàn Bác Hồ chính là biểu tượng kiến trúc của Việt Nam và thời đại mới”.
Nhà thơ Tố Hữu đã nói hộ người dân Việt: “... Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn...”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã viết: “Nhà sàn đơn sơ của Bác chỉ có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là thế!