Sản xuất công nghiệp giữ đà phục hồi
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 10/02/2021
Những tín hiệu lạc quan
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 1-2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chế biến, chế tạo tăng 27,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 16,3%; sản xuất ti vi các loại tăng 106,2%; linh kiện điện thoại tăng 71,5%;... Đáng chú ý, chỉ số sản xuất ngành Dệt và chỉ số sản xuất trang phục - lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 1-2021 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, chỉ số sản phẩm đồ uống trong tháng 1-2021 cũng tăng 23,4%...
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, từ quý IV-2020, ngành Dệt may bắt đầu có đơn hàng mới. Trong tháng 1-2021, tập đoàn đã đẩy mạnh xúc tiến thị trường, thay đổi phương thức xuất khẩu từ gia công cắt - may - đóng gói sang tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, liên kết chuỗi trong nội bộ, để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó, tập đoàn tiếp tục tập trung xây dựng thương hiệu tại thị trường nội địa. “Trung tâm bán lẻ thời trang của Vinatex tại Hà Nội, dù mới đi vào hoạt động đã đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng trong năm 2020, nên sắp tới chúng tôi sẽ mở thêm trung tâm tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh”, ông Cao Hữu Hiếu thông tin.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) Trần Đình Thanh cũng cho hay, năm 2021, tổng công ty đã đầu tư viện nghiên cứu riêng với cơ sở vật chất hiện đại và công bố bộ nhận diện thương hiệu mới định hướng phát triển cho các dòng sản phẩm, tái cấu trúc hình ảnh của HABECO. Ngay từ những ngày đầu năm, cán bộ, công nhân HABECO đã bắt tay ngay vào sản xuất, tận dụng thời gian, nắm bắt nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, tạo đà phục hồi cho cả năm.
Duy trì biện pháp phòng, chống dịch
Cùng với nỗ lực phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ người lao động và hoạt động sản xuất. Là doanh nghiệp có đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu và ngân sách, Samsung Việt Nam hiện có 130.000 cán bộ, công nhân, làm việc tại 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu, phát triển, tại các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động có quy mô lớn nhất toàn cầu, còn nhà máy điện tử gia dụng có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được duy trì thường xuyên. Toàn bộ các nhà máy, cơ sở của Samsung Việt Nam được phun khử khuẩn định kỳ; biện pháp đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang và giãn cách được thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Tại Nhà máy sản xuất điện thoại Vsmart (Công ty Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart - Tập đoàn Vingroup), hệ thống camera đo thân nhiệt được lắp đặt giám sát 100% cán bộ, nhân viên. Đồng thời, toàn bộ người ra vào nhà máy đều phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Toàn bộ nhà máy được phun khử khuẩn hằng tuần, riêng khu vực tập trung đông người sẽ khử khuẩn theo giờ hoặc hằng ngày. Nhà máy cũng bố trí 3 khung giờ ăn để thực hiện giãn cách, giảm số người tập trung.
Còn bà Vũ Hồng Nhung, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông thông tin, ngoài việc duy trì đeo khẩu trang, đo thân nhiệt ngày 2 lần, kê khai thông tin y tế, phun khử khuẩn các phòng, ban, phân xưởng, công ty có tổ phản ứng nhanh, sẵn sàng triển khai phương án xử lý trong trường hợp phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh... Tương tự, tại Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp, các hoạt động tập thể tạm thời dừng. Cùng với đó, công ty áp dụng biện pháp giãn cách người lao động bằng cách chia giờ làm việc thành 4 ca/ngày (mỗi ca 6 tiếng).
Để duy trì nhịp độ sản xuất, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021, của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Cùng với đó, Bộ yêu cầu ưu tiên cao độ phòng, chống dịch Covid-19; tập trung chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngay từ đầu năm. Các doanh nghiệp cũng cần khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới...