Ngành chăn nuôi - một năm bứt phá

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:40, 10/02/2021

(HNM) - Năm 2020, mặc dù ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều thách thức từ dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, bệnh Dịch tả lợn châu Phi,... song với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tốc độ tái đàn gia súc, gia cầm vẫn tăng mạnh. Ngành chăn nuôi đã có một năm phát triển bứt phá, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng, ổn định thị trường và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp nước nhà, qua đó tự tin hướng đến hoàn thành các mục tiêu trong năm 2021.

Chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học tại xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Quỳnh Ngọc

Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 5,5%

Năm 2020, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng các trang trại lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... vẫn phát triển ổn định. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), trong năm, hợp tác xã đã tăng quy mô đàn lợn lên 3.000 lợn nái và hơn 70.000 lợn thương phẩm. 

Nói về tốc độ phục hồi của ngành chăn nuôi Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Năm 2020, ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay với 4,2%, trong đó có đóng góp lớn của ngành chăn nuôi. Đặc biệt, chăn nuôi gia cầm đạt 39,5 triệu con, đứng đầu cả nước, tăng 15% so với năm 2019; đàn lợn đạt hơn 1,4 triệu con, tăng hơn 60%; đàn trâu, bò là 158.000 con, tăng 3,3%... Hà Nội có 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 5.351 trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố đã hình thành những vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn và nhiều trang trại áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đánh giá kết quả toàn ngành về chăn nuôi, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng nhận xét, trong năm 2020, ngành chăn nuôi cả nước đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là tái đàn, tăng đàn lợn nhằm đáp ứng đủ nguồn cung con giống cho nhu cầu sản xuất, từ đó tăng nguồn cung lợn thịt, góp phần giảm giá thành sản phẩm và ổn định thị trường. Từ việc triển khai chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm,... năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi đã đạt 3,46 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2019; thịt gia cầm các loại đạt 1,42 triệu tấn, tăng 9,2%; thịt bò đạt 372,5 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng trứng đạt 14,5 tỷ quả, tăng 9,5%… Giá trị sản xuất chăn nuôi ước cả năm 2020 tăng khoảng 5,5% so với năm 2019.

Phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu

Năm 2021 dự báo ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hồi phục và tăng trưởng. Mặt khác, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng tác động tiêu cực đến phát triển chăn nuôi bền vững. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn đặt mục tiêu: Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 5,5-6%; sản lượng thịt các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn…

Riêng Hà Nội đề ra mục tiêu trong năm 2021 là phát triển tổng đàn lợn đạt hơn 1,8 triệu con, giữ ổn định đàn gia cầm khoảng 40 triệu con... Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho hay, để chăn nuôi Hà Nội phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp đang và sẽ  tập trung xây dựng chính sách đặc thù, hướng tới bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Theo đó, thành phố sẽ chú trọng hỗ trợ mua giống gia súc, gia cầm nhập ngoại có năng suất, chất lượng cao; hỗ trợ cơ sở lưu giữ, sản xuất giống gốc như gà mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình...; bổ sung nguồn kinh phí để duy trì hoạt động hệ thống thú y cơ sở nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh. Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ kinh phí xét nghiệm một lần cho các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; nghiên cứu chế phẩm sinh học sát khuẩn, khử mùi, xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất, để đạt được mục tiêu nêu trên, trước hết các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và các nhà khoa học, đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm, sớm đưa ra sản xuất vắc xin thương mại phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó là những giải pháp hỗ trợ người dân về vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, ngành chăn nuôi Hà Nội cần thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý giống, thực hiện bình tuyển đánh số, gắn chíp ghi chép theo dõi và đánh giá chất lượng. Cùng với đó, chuyển đổi đối tượng đầu tư cho phù hợp vùng miền. Các địa phương cũng cần tiếp tục rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực. Duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái. Ngoài ra, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi công nghiệp vào chăn nuôi gia trại, nông hộ như chuồng sàn; máng ăn, máng uống tự động; chăn nuôi theo hướng VietGAP, chăn nuôi sinh thái tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để chăn nuôi trở thành một ngành mũi nhọn đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp nước nhà, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần quy hoạch lại vùng chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn; đồng thời triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, nhất là sữa, thịt gia cầm, yến và tơ tằm. Mặt khác, hỗ trợ người dân áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, tạo ra nhiều sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đẩy mạnh các hình thức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngọc Quỳnh