“Bác đã về đây Tổ quốc ơi”

Chính trị - Ngày đăng : 14:01, 10/02/2021

(HNNN) - Thực tế lịch sử kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay đã khẳng định đó là kết quả của hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ, và là kết quả tất yếu của việc Bác chuẩn bị cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945). Ảnh: Trường Hà

Tháng 5-1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp. Ngày 22-6-1940, Pháp đầu hàng Đức vô điều kiện. Trước tình hình mới, Bác Hồ (lúc này lấy tên là đồng chí Vương) khẳng định: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.

Lịch sử mãi mãi nhớ ghi: Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Khi bước tới cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động; và đất nước được đón một người con của dân tộc trước đó 30 năm đi tìm chân lý để về giúp đồng bào trong tình cảm:

“Bác đã về đây Tổ quốc ơi,

Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người.

Ba mươi năm ấy chân không nghỉ,

Mà đến bây giờ mới tới nơi”

            (Tố Hữu).

Được sự giúp đỡ của cán bộ và đồng bào địa phương, ngày 8-2-1941, với tên gọi mới là Già Thu, Bác vào ở và làm việc tại hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn) một hang núi kín đáo thuộc thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tại hang Cốc Bó, Bác đã tạc trên phiến nhũ đá bức tượng Các Mác, nên Bác đặt tên là núi Các Mác. Đồ đạc không có gì ngoài chiếc va ly mây đựng tài liệu, chiếc máy chữ và sàn nằm bằng tấm gỗ. Ban ngày Bác ra bờ suối nơi đầu nguồn (Bác đặt tên là suối Lênin), ở đó các đồng chí giúp việc cho Bác đã tạo ra một cái bàn và một cái ghế bằng những tảng đá ghép lại để Bác làm bàn viết, Bác dịch tiếp (đã dịch một phần khi ở Trung Quốc) cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản (Bôn sê vích) Nga” (tóm tắt) ra tiếng Việt để làm tài liệu huấn luyện đảng viên. Và Người bắt đầu chăm lo một sự nghiệp lớn lao:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Cuộc đời cách mạng thật là sang”

Tháng 3-1941, sau khi xảy ra việc hai quần chúng cơ sở của cách mạng đi liên lạc cho đoàn thể bị tổng đoàn (tổ chức nửa vũ trang - tay sai của thực dân Pháp ở địa phương) bắt, Bác và các đồng chí khác đã rời Pác Bó lên Lũng Lạn cách hang Cốc Bó vài trăm mét.

Tháng 5-1941, Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Đảng tại Khuổi Nậm (Pác Bó) quyết định giành độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh ra đời, đóng vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp đông đảo quần chúng, thúc đẩy thêm tiến trình của cuộc cách mạng.

Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đã góp phần quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cực kỳ to lớn, Người cầm lái con tàu cách mạng vượt qua bão táp để cập bến độc lập, tự do.

Về việc chuẩn bị lực lượng cho cuộc cách mạng giải phóng, Bác viết tác phẩm đầu tiên về quân sự “Cách đánh du kích” (1941). Tác phẩm đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chiến đấu cho đảng viên và quần chúng cách mạng, đồng thời giới thiệu kinh nghiệm lịch sử và bước đầu nêu lên một số vấn đề về đường lối quân sự chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Cùng với việc chuẩn bị tài liệu cho huấn luyện, Bác cho mở lớp quân sự đầu tiên tại Pác Bó, và Bác gọi đây là lớp tổ du kích Pác Bó, lại giao cho đồng chí Đinh Sửu (tức đồng chí Trương Thiết Hùng - sau này là vị tướng trong quân đội) phụ trách lớp. Những học viên của lớp có kể lại chuyện Bác dạy cho bài về tinh thần thượng tôn dân tộc: Hôm đó đến môn bồng súng chào, cả lớp đang bí không biết chào theo kiểu gì thì được Bác đến thăm. Bác hỏi:

- Có gì khó không?

Sau khi đồng chí Đinh Sửu báo cáo, Bác hỏi:

- Tây chào kiểu nào?

Đồng chí Đinh Sửu làm mẫu, Bác lại hỏi:

- Tàu chào kiểu nào?

Đồng chí Đinh Sửu lại cầm súng làm mẫu, Bác nói:

- Thế theo kiểu không Tây, không Tàu được không?

Và Bác bày cho cả lớp làm: Nâng súng lên, hơi ngả mũi súng về phía trước, cho báng súng áp sát vào đùi, súng và người tạo thành chữ V. Nhìn các đồng chí học viên của lớp làm một lượt, Bác bảo:

- Được đấy, chào theo kiểu Việt Minh.

Khoảng giữa tháng 12-1944, Bác gửi một bức thư nhỏ (được đặt trong bao thuốc lá) cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đó là chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Sam Cao (còn gọi là rừng Trần Hưng Đạo) thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, với 34 hội viên, biên chế thành một trung đội (chia làm 3 tiểu đội), do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Lực lượng rút từ các đội vũ trang các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Quy mô của đội, như Bác Hồ đã khẳng định “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, mang bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”: “Trung với nước, Hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Qua những dẫn chứng nêu trên, rõ ràng là Pác Bó - Cao Bằng mà trong đó Cốc Bó, Khuổi Nậm là điểm khởi nguồn sự chuẩn bị công phu, chu đáo của Đảng, của Bác Hồ, bảo đảm chắc chắn cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi tới thành công, như Bác Hồ đã khẳng định trong lần về thăm lại nơi đây (2-1961):

“Hai mươi năm trước ở hang này,

Đảng vạch con đường đánh Nhật - Tây.

Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu,

Non sông gấm vóc có ngày nay”.

Công lao chuẩn bị chu đáo của Bác Hồ cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như cụ Huỳnh Thúc Kháng với danh nghĩa là Hội trưởng Hội Quốc dân Việt Nam có viết một bức thư dài bằng chữ Hán nhan đề “Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến” đã chỉ rõ: “Người thân yêu nhất của đồng bào quốc dân chúng ta là Hồ Chí Minh tiên sinh; là bậc yêu nước đại chí sĩ; là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia: chân đi khắp 5 châu, mắt trông xa vạn dặm. Nhận rõ thời cuộc, lặng đồ thời cơ. Tổ chức giải phóng du kích quân, lãnh đạo thanh niên, cán bộ, bộ đội. Quân dân một chí, ước vạn đồng lòng. Chất chứa lâu ngày, chuốt mài đứng dậy. Cầm đầu giơ tay kêu gọi là trận tuyến Việt minh. Hưởng ứng múa gậy đứng lên là dân quân toàn quốc. Tiếng sấm đứng lên dậy đất, thế quân vang dội long trời. Cây cỏ hùa theo giúp oai linh, nước non quanh theo hò hét. Sao 5 cánh cờ hồng che khắp vùng quê, ngõ chợ, phất phẩy cùng nơi. Người 3 kỳ máu đỏ sục sôi, họp lại chia ra phùn phụt khắp chốn. Thây phơi đầy nội là tham quân lạc hậu của Pháp lang sói.

Sức mạnh anh hùng là chiến sĩ xung phong của đội tự vệ. Oanh liệt một trường, nước non muôn thuở. Xiềng xích cường quyền trên 8 thế kỷ, vó trâu, chân ngựa quét sạch sành sanh...

Sướng ơi là sướng, thoát thân nô lệ làm chủ nhân ông. Vui thật là vui, đổi quyền vua mà làm dân quốc mới”.

Trần Viết Hoàn