Đối ngoại Việt Nam năm 2020: Trách nhiệm và bản lĩnh
Đối ngoại - Ngày đăng : 21:08, 10/02/2021
Vai trò kép với nhiều thành tựu
Năm 2020 đánh dấu mốc lịch sử với đối ngoại, nhất là ngoại giao đa phương khi Việt Nam đồng thời là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây không phải lần đầu tiên nước ta nắm giữ những trọng trách này, nhưng năm 2020 lại có dấu ấn đặc biệt quan trọng bởi chưa bao giờ trong cùng một năm, Việt Nam đảm nhận vai trò kép như vậy. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận xét, đó là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng nói lên sự trưởng thành vượt bậc của Việt Nam qua hơn 20 năm tham gia và đóng góp tích cực vào các diễn đàn đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế, các định chế toàn cầu…
Ấn tượng về một thành viên có trách nhiệm, chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào các diễn đàn được thể hiện ngay từ những ngày đầu tiên của năm, khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1-2020, và tiếp đó là các hoạt động sôi nổi suốt cả năm kỷ niệm 75 năm Ngày ký Hiến chương Liên hợp quốc. Tiếng nói Việt Nam cất lên mạnh mẽ, được lắng nghe tại cơ chế đa phương giữ vai trò hàng đầu trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và được các quốc gia đặc biệt coi trọng. “Người dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn được tự do, độc lập” - quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại được Việt Nam chân thành gửi đi tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai cũng chính là mục tiêu, tinh thần nhất quán và nhân văn mà đất nước đã từng bước ra từ lửa đạn chiến tranh mong muốn lan tỏa khi đóng góp vào cơ chế này.
Cùng với khối lượng công việc khổng lồ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam một lần nữa vinh dự giữ trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm bản lề quan trọng nhằm kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN. Sau 25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng cũng như xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực, trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy. Tại Hội nghị tổng kết Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tự hào tuyên bố Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất: Thành công về chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, số lượng hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; thành công trong quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định phát triển thịnh vượng. Thành công của Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN (AIPA 41) hay việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 5 nước đối tác càng “tô đậm” hơn bức tranh rực rỡ của Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Những trọng trách mà Việt Nam gánh vác luôn được phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả, bổ sung cho nhau để phát huy tối đa sức mạnh của công tác đối ngoại. Ủy ban ASEAN tại New York (Hoa Kỳ) do Việt Nam làm Chủ tịch trong năm 2020 đều đặn tổ chức các cuộc họp thường kỳ cũng như các cuộc đối thoại với các thành viên và các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Theo đề xuất của Việt Nam, nội dung hợp tác với ASEAN lần đầu tiên được thúc đẩy thảo luận tại Hội đồng Bảo an. Đáng chú ý, Việt Nam đã chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thành công Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết hợp tác Liên hợp quốc - ASEAN với số lượng kỷ lục 120 nước tham gia đồng bảo trợ.
Bản lĩnh trước thách thức
Trong không khí lạc quan chào đón thập kỷ mới, không ai có thể hình dung rằng năm 2020, toàn cầu lại phải đương đầu với đại dịch Covid-19, thách thức nghiêm trọng nhất của nhân loại kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ấy thế mà, mảnh đất hình chữ S nổi lên là một điểm sáng, một mô hình chống dịch hiệu quả được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như cộng đồng quốc tế ca ngợi. Truyền thông quốc tế nhiều lần nhắc tới khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhằm minh chứng cho bản lĩnh, quyết tâm chống dịch, khơi gợi ý thức dân tộc và sức mạnh đoàn kết trong mỗi người dân Việt Nam.
Trong cuộc chiến chung toàn cầu, bên cạnh các biện pháp chống dịch minh bạch, quyết liệt, Việt Nam còn gây ấn tượng mạnh mẽ bằng sự tương trợ, đoàn kết dành cho bạn bè quốc tế. Với tinh thần hữu nghị, truyền thống tương trợ, trong vai trò là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nỗ lực chia sẻ, dành sự giúp đỡ chân tình với các nước, thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Đại dịch Covid-19 còn là một phép thử quan trọng về sự đoàn kết của ASEAN và khả năng chèo lái của Việt Nam với tư cách là "thuyền trưởng", nhằm xây dựng một cộng đồng "Gắn kết và chủ động thích ứng". Tất cả các cuộc họp của ASEAN, kể cả các cuộc họp với các đối tác đối thoại đều được tổ chức trực tuyến từ tháng 4-2020 để duy trì chương trình nghị sự, trong đó không thể không nhắc đến thành công của các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37. Dưới sự dẫn dắt của nước Chủ tịch, ASEAN đã tăng cường hoạt động và triển khai một số sáng kiến ứng phó tập thể, đặc biệt là thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN… Những sáng kiến này giương cao ngọn cờ ASEAN trong ứng phó với thách thức, gửi đi thông điệp giữ vững tinh thần của chủ nghĩa đa phương, xây dựng một khu vực mở và bao trùm. Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nhận định, Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19; và Việt Nam đã chứng minh rằng Hiệp hội có thể vượt qua các thách thức nếu các nước trong khu vực hợp tác cùng nhau trong tình đoàn kết và sự kiên cường.
Ở cấp độ quốc tế, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hằng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng trong lĩnh vực này, và càng đáng tự hào khi đây là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên. Thông điệp của các nhà lãnh đạo Việt Nam gửi tới các hội nghị quan trọng của Liên hợp quốc trong năm 2020 luôn khẳng định rằng Việt Nam đã đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nước, tăng cường đóng góp cho các nỗ lực quốc tế với nhận thức rằng chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi tất cả các quốc gia cùng chiến thắng.
Trên đà một năm 2020 nhiều thành tựu đáng nhớ, nguồn sức mạnh nội sinh cùng bản lĩnh trong đối ngoại sẽ là điểm tựa vững chắc để "con tàu" Việt Nam vươn ra "biển lớn".