Giao thừa Online
Văn hóa - Ngày đăng : 12:30, 11/02/2021
Trên màn hình laptop chia làm bốn ô, ô đầu tiên là cảnh nhà và bố mẹ ở Việt Nam, các ô tiếp theo là ba đứa con đang là du học sinh và nghiên cứu sinh ở ba nước khác nhau.
- Màn khoe bánh cốm xong chưa em? Để bố còn thắp hương ông bà!
Chị cả Paris vừa lên tiếng, vừa sửa lại tư thế ngồi trước cây piano - là hàng cũ giá tượng trưng vài chục euro, chị cả khoe thế. Thằng Tí cười hề hề quay lại ôm cây đàn violon, cũng hàng cũ nó xin được năm ngoái. Thằng út bên “cầu truyền hình” Hà Lan cũng cười khà khà, nói vui: “Chỉ anh Tí là có bánh cốm, sướng nhé!”.
Màn hình ở nhà quay cảnh bố đang thắp hương trước bàn thờ gia tiên. Còn hơn hai mươi phút nữa mới đến Giao thừa mà gốc đào phai bên cạnh đã lác đác nụ hồng. Bố nói, thúc nở sớm cho các con ngắm lúc nối máy trực tuyến, chứ nở sau chẳng để làm gì. Nghe bố nói vậy ai cũng im lặng. Trước kia, bố thường chế bình trà ngồi canh những cánh đào đầu tiên rung rung hé hồng đúng thời khắc Giao thừa. Bố cho rằng như vậy nhà mình sẽ có một năm hanh thông, cát tường. Từ ngày các con đi học xa, ở nhà, bố mẹ làm gì cũng vì các con. Mấy quả bưởi trước nhà vàng sọm hết mà mẹ vẫn một mực “chờ các con về ăn!”. Cam chín đầy cây, mẹ ra đứng nhìn thẫn thờ, “không có đứa nào ở nhà…”. Rồi dịch Covid-19 lây lan, nước nào cũng “bế quan tỏa cảng”, chẳng biết khi nào mới về được. Ba đứa lại được học bổng học ở ba nước khác nhau mới khổ. Tết mình lại tính theo lịch âm, phương Tây họ có cho nghỉ đâu mà về. Các năm còn có đứa ở nhà, năm nay vắng cả nên bố mẹ dồn hết tình cảm cho khoảnh khắc Giao thừa online thế này. “Các con không về ăn Tết, nhà cũng làm phiên phiến, chủ yếu là cho ấm bàn thờ ba ngày Tết”, mẹ nói vậy.
Chị cả Paris với anh Tí đi xa mấy năm rồi tạm quen, đỡ nhớ nhà, chỉ tội Út mới du học năm đầu. Tuần trước, Út gọi mẹ, nói tự nhiên gần Tết nhớ nhà quá, mẹ nghe vậy ôm mặt khóc rưng rức. Nhớ hồi mới sang Hà Lan, tới bữa nấu cơm, nó mở laptop kết nối với máy tính của mẹ bên này, “mẹ ơi, cà rốt xào xắt dày hay mỏng?”, “kho thịt như thế nào, mẹ?”… Vừa hỏi vừa làm, tay chân lóng nga lóng ngóng, nhìn đôi bàn tay con trai dài ngoằng vụng về bên bếp thương lắm. Tất tần tật các khâu nấu nướng mẹ phải hướng dẫn trực tuyến. Mẹ và nó, người nấu nướng cũng như người hướng dẫn chốc chốc lại ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Trước khi đến tiết mục ba anh em hòa tấu nhạc và hát hò như các Tết online trước, có một quãng lặng vì mẹ khóc, vừa khóc vừa mếu máo “nhớ các con quá!”. Út cười cười, “thấy đủ mặt hết rồi còn nhớ gì”. Là nó mạnh miệng vậy thôi chứ hai mắt cứ rơm rớm, ngân ngấn nước. Kha không dám nhìn vào màn hình, cả nhà gọi Kha là "chị cả Paris" đồng nghĩa với bà chị mạnh mẽ, kiên gan trong mọi tình huống. Kỳ thực nơi cứng cỏi nhất cũng là nơi dễ vỡ vụn nhất, lòng Kha cứ như tan nát vì nhớ nhà, nhớ quê. Từ chiều Kha đã lường được tình huống này rồi nhưng biết làm sao được.
… Những khoảng trống của hồi ức làm cho Kha tự dưng thấy trĩu ngực. Từ trường về nhà trọ, nó cứ nghĩ mãi về cuộc gặp trực tuyến cả gia đình vào chiều nay, khi ấy là Giao thừa ở quê nhà (4). Những khoảng trống hồi ức không phải vì không có gì để nhớ lại, mà vì nó quá buồn. Kha đã cố giấu kín nơi đáy sâu con tim một thời gian dài để tập trung cho việc học tập, nghiên cứu. Giờ đây, những giây phút gần đến Tết, dường như Kha đang bất lực với những hình ảnh và âm thanh ký ức, nó sống lại, cuộn trào trong tâm hồn.
Tết Nguyên đán. Giao thừa. Mùng Một. Ở trời Tây không có chút biểu hiện gì, nhưng trong lòng một người Việt xa xứ như Kha thì những con sóng nhớ nhung, nghĩ ngợi cứ trào lên từng đợt. Kha thoát khỏi dòng nghĩ suy bằng ngôn ngữ Pháp để trở về với tiếng mẹ đẻ của mình. Kha thông thạo 4 ngoại ngữ, Pháp, Anh, Italia, Latin đều đạt chuẩn châu Âu. Nhưng dòng ý thức trong đầu và cả công việc thường xuyên của Kha là ngôn ngữ Pháp. Và năm nào cũng vậy, cái khoảng trống của dòng hồi ức nấc nghẹn đó luôn làm cho Kha bất lực. Khoảng trống nhanh chóng được lấp đầy, nó đang tràn phồng lên đau nhói tâm can.
Quê nhà. Gia đình. Tuổi thơ. Những dòng chảy hiền hòa, êm ả với rất nhiều kỷ niệm đẹp đan xen như những dòng suối xanh mát hiện trôi đến nao lòng ấy bao giờ cũng vấp phải những hồi ức đau đớn.
Quê hương! Đó là mảnh đất hình chữ S rất đẹp mà cũng rất gian lao. Quê hương! Đó là bố mẹ tảo tần một nắng hai sương, chịu thương chịu khó dồn hết sức lực nuôi các con ăn học, gần như không giữ gì cho riêng mình. Quê hương! Đó là những trận lũ lụt kinh hoàng mà Kha đã trải qua nơi ngôi nhà ven sông của mình, là ánh mắt bà nhìn cả nhà lần cuối rồi chìm trôi trong dòng nước cuộn xiết dữ tợn… Đêm ấy, cả nhà đang ngủ say thì bị dựng dậy bởi những cú lắc rất mạnh của ngôi nhà. Bố mẹ Kha chỉ kịp bế hai chị em Kha nhảy qua gờ đất mấp mé nước. Ngôi nhà đã xói trống chân nền bị bứng trôi đi lắc lư nhẹ bẫng như một chiếc hộp. Bố vội đặt Kha đứng xuống, quay lại thì ngôi nhà đã tách ra xa bờ, nghiêng chìm một phần trong dòng nước. Bà ngoại tay vẫn vịn mép cửa, Kha thấy bà đang chới với nhìn bố mẹ, nhìn Kha, nhìn em Tí, tích tắc sau ánh nhìn đó, bà và ngôi nhà đã chìm mất trong dòng nước dữ. Mẹ rú lên và ngã quỵ xuống, hai tay bưng mặt. Bố dặn Kha lo cho mẹ và em rồi vội vàng lao xuống nước, một lúc lâu sau lại bơi vào bờ nằm vật ngửa ra, nước ròng ròng khắp người, mắt bố trừng trừng nhìn lên trời.
Cơn lũ ống đột ngột và dữ tợn năm đó đã cướp đi bà ngoại mà Kha hết mực yêu thương, quý trọng và cướp đi cả ngôi nhà ven sông gắn bó một thời tuổi thơ đẹp đẽ vui tươi. Cơn lũ đó cũng cướp đi cả một dọc nhà ven sông là hàng xóm của gia đình Kha.
Sau này, Kha còn biết cả cây cầu đá mà nguyên một thời phổ thông ngày nào Kha cũng đi học ngang qua đã bị cuốn sập trôi một đoạn. Nghe người lớn nói rừng đầu nguồn đã bị chặt phá nên mới có những cơn lũ quét, lũ ống ghê gớm như vậy. Kha chưa hiểu mấy về những chuyện lớn lao đó nên không dám nghĩ gì. Nhưng giờ nhiều lúc ngồi nhớ lại, Kha hình dung có gì không ổn đang diễn ra trên chính quê hương mình. Thế rồi, những chương trình học tiếp theo đã cuốn Kha đi, học xong đại học, trường giữ lại làm giảng viên hai năm, được học bổng thạc sĩ, rồi lại được học bổng tiến sĩ. Mỗi khi nghĩ về quê nhà là dường như có gì đó nghèn nghẹn nơi cổ. Dù ở rất xa nhưng quê hương luôn là một phần quan trọng trong đời sống của mình, Kha đi xa mang theo quê hương trong tâm hồn, Kha đi xa nhưng tình quê hương không xa…
Không có hạnh phúc nào trên cuộc đời này mà không bị trĩu nặng bởi những tai họa. Có lẽ với Kha, tai họa đến trước đó đã hun đúc lòng quyết tâm học tập vươn lên thoát khỏi lạc hậu, nghèo khó và nếu có thể thì góp phần nhỏ bé giúp cho quê nhà phát triển. Là nghĩ vậy thôi chứ liên ngành Văn học - Triết học - Khoa học nhận thức mà Kha đang theo đuổi càng lúc càng dẫn Kha đi tới những chân trời xa rộng. Việc đóng góp gì đó cũng trong vấn đề mang tầm nhân loại hơn là làng xã. Bố nói, học giỏi, cống hiến cho nhân loại cũng chính là hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ và chứng tỏ tình yêu quê hương rồi. Kha thích cách nghĩ đó!
- Chị Kha, bắt đầu đi! Thằng út loay hoay chỉnh lại dây cây đàn guitar xong quay sang giục. Như mọi năm, ba chị em sau khi hòa tấu bài “Happy New Year” lại tiếp tục vừa hát, vừa đàn bài “Ngày Tết quê em”. Cả ba chị em đồng thanh:
“Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết đến trong tim mọi người…”.
Không khí rộn hẳn lên. Bên màn hình quê nhà, ánh mắt bố mẹ bừng vui thấy rõ. Lạ lùng là bố mẹ lam lũ suốt đời không biết đàn hát nhưng các con lại rất thích âm nhạc, đứa nào cũng chơi thành thạo một loại nhạc cụ: Kha - piano, Tí - violon, út - guitar.
… “Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ
Về chung vui bên gia đình”.
Nghe tới đây, tự dưng mẹ quay mặt đi, kéo tà áo chậm chậm lên mắt làm cho ba đứa con hơi sựng mất mấy nhịp. Điệu nhạc vui nhộn lại nối tiếp liền sau đó. Cái cách của thằng út lí lắc khi lặp mãi câu “Tết Tết Tết Tết đến rồi…” làm cả nhà đều phì cười.
Nghe xong hai bài hát, bố có vẻ yên lặng, ánh mắt bố buồn buồn. “Các con đi học hết, nhà mình nhìn chỗ nào cũng trống”, Tí nhớ có lần bố đã nói như thế. Tí với bố đặc biệt có nhiều kỷ niệm, mỗi lần thấy bố buồn là lồng ngực Tí trĩu xuống, những tháng ngày lêu lổng ham chơi của Tí lại hiện lên dằn vặt tâm trí. Hai năm cuối phổ thông, Tí học trường nội trú, không hiểu sao thời ấy Tí mê game (5) dữ lắm, cứ tới thời gian tự học là trèo rào phóng ra ngoài phố chơi game.
… Tí đi lùi ra cửa phòng, hai mắt dáo dác nhìn trước ngó sau. Thầy trực ban vừa đi qua, Tí khom người lui tới bờ tường ngồi thụp xuống. Không thấy ai theo dõi, Tí đu người vọt qua tường rào. Vừa nhảy phịch xuống, Tí đã sựng người lại. “Ai giống bố quá! Mà sao bố lại ngồi đây đêm hôm thế này? Đúng là bố rồi!...”. Hàng loạt câu hỏi hiện nhanh trong đầu Tí và nó giải đáp cũng rất nhanh. Nhớ hồi ba chị em tham gia kiểm tra IQ (6), Tí là người đạt chỉ số IQ cao nhất nhà: “À, sáng mai là hạn cuối nộp tiền cho trường, bố đi xe đêm đến đây để sáng mai nộp tiền cho kịp. Chắc ông già không đủ tiền thuê phòng trọ…”. Chỉ nghĩ được tới đó, nó vội vàng đu tường lộn người vào trong trở lại. “Ông già ngủ ngoài bờ rào này sao?”. Nó tự hỏi và rùng mình, tâm trí nó đang có một cơn chấn động lớn. Tí quay lại phòng tự học và cả đêm ấy nó không sao chợp mắt được khi nghĩ đến bố nó đang ngồi ngủ dựa vào bờ rào trường. Chưa khi nào Tí thấy thương bố như thế! Hai mắt nó cay cay, rồi mấy giọt âm ấm lăn tràn xuống gò má. Tí tự hứa với chính mình, từ nay, quyết tâm không chơi game nữa, phải tập trung học cho giỏi để không phụ những gian khổ, những lo toan vất vả của bố.
Đúng như nó dự đoán, sáng hôm sau, khi văn phòng trường vừa làm việc thì bố nó bước vào nộp tiền học cho con. Thấy bố, Tí thản nhiên đi tới làm như không hề có cú nhảy rào “chạm mặt” đêm qua. Khi đưa bố ra cổng trường, Tí chợt ôm bố siết thật mạnh rồi vội vàng quay lui. Tí không nói ra nhưng cuộc “gặp” chớp nhoáng bên ngoài bờ rào đó đã làm thay đổi cuộc đời nó. Năm đó, Tí đạt thành tích học tập rất tốt. Vào đại học, năm nào Tí cũng được trường tuyên dương. Vừa tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, Tí nhận luôn học bổng toàn phần của một trường đại học ở Bergen, Na Uy. Tốt nghiệp Đại học Bergen, Tí nhận tiếp học bổng cao học ở một trường lớn trên thành phố Oslo, chuyên ngành Khoa học tin học. Giờ thì Tí vừa học vừa tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền cùng với chị Kha phụ giúp cho thằng út vừa chân ướt chân ráo sang Hà Lan du học. Tí biết, bố mẹ rất nghèo nhưng đã dồn sức lo cho chị em nó học hành đến nơi đến chốn. Ở quê hương, nhiều nhà giàu lo cho một đứa con du học còn thiếu trước hụt sau, huống chi gia đình nó. May là ba chị em đều nhận được học bổng toàn phần, cuộc sống tạm ổn khi biết gói ghém, tiết kiệm tối đa, đến cả cắt tóc cũng mang kéo nhà mình sang nhờ bạn bè sinh viên cắt cho…
- Sao Tí thẫn thờ vậy con? Mẹ hỏi làm Tí giật mình trở về thực tại. Tí cười toe hỏi:
- Bên nhà, Giao thừa năm nay có pháo hoa không mẹ?
- Có chứ, nghe nói thời gian bắn pháo hoa sẽ kéo dài ra hơn cho vui làng, vui xóm. Bà con phấn khởi, hào hứng lắm.
- Sao bố mẹ không đi xem pháo hoa?
- Mai xem lại qua đài truyền hình con à, thời điểm Giao thừa nhà mình bận họp mặt trực tuyến mà con.
- Vâng ạ! Thằng Tí bẽn lẽn vì câu hỏi ngớ ngẩn.
Ba chị em vừa chúc Tết bố mẹ xong thì bên ngoài chợt có tiếng ì đùng, ì đùng. Bố quay laptop hướng ra sân, tuy hơi xa trung tâm huyện nhưng cũng còn thấy một góc trời bừng sáng. Từng chùm, từng chùm pháo hoa muôn màu muôn sắc thi nhau vượt lên rực rỡ. Giao thừa đến thật rồi! Bố khe khẽ nói với cả nhà rồi đứng dậy thắp thêm ba nén hương trên bàn thờ gia tiên. Cạnh đó, cây đào phai cũng vừa bừng tỉnh, hoa đơm dày đặc hồng sáng khắp các cành...
__________
(1) Skype: Ứng dụng nhắn tin và gọi video trực tuyến.
(2) Laptop: Máy tính xách tay.
(3) Webcam: Thiết bị ghi hình kỹ thuật số kết nối với máy tính để truyền trực tiếp hình ảnh thông qua mạng internet.
(4) Chênh lệch múi giờ Pháp và Việt Nam là 5-6 giờ, tức múi giờ Việt Nam trước Pháp 5 tiếng vào mùa hè và 6 tiếng vào mùa đông.
(5) Game: Trò chơi điện tử.
(6) IQ: Chỉ số thông minh.