Mùa xuân và khát vọng Việt Nam

Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 12/02/2021

(HNM) - Đi qua 91 mùa xuân với nhiều cung bậc thăng trầm, Đảng ta vững vàng chèo lái con thuyền Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trước thềm xuân mới, Đảng bước vào nhiệm kỳ Đại hội XIII với khí thế, niềm tin chắc chắn ở những thắng lợi mới bằng khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

1. Suốt hành trình vẻ vang 91 năm qua, Đảng ta luôn dành trọn tâm huyết, khát vọng vì một nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc. Khát vọng được gửi gắm qua thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Xây dựng cơ đồ tổ tiên đã để lại, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu là khát vọng cháy bỏng của Hồ Chí Minh ngay khi bắt tay vào kiến thiết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây gần 76 năm, sau Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Người đã nghĩ tới một đất nước trở nên tươi đẹp, sẽ bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Trong ác liệt, đau thương bởi cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có niềm tin chắc chắn: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Cách nhìn, tầm nhìn của Hồ Chí Minh về khát vọng xây dựng lại và phát triển đất nước đàng hoàng hơn trước chiến tranh hết sức toàn diện, sâu sắc, vừa trước mắt vừa lâu dài. Người coi đây là một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi.

Bằng ý chí, quyết tâm và sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và nhân dân ta đã miệt mài chiến đấu, vượt bao gian khổ, hy sinh và đã hiện thực hóa khát vọng to lớn ấy bằng hết thắng lợi này, đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế và đưa đất nước vào giai đoạn đổi mới.

Hơn nửa thế kỷ Bác đi xa, đặc biệt là 35 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình 91 năm phát triển của đất nước từ khi Đảng ta ra đời, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Đảng với khát vọng xây dựng đất nước. Sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo là sự nghiệp cách mạng to lớn, tiếp tục biến khát vọng thành những thành tựu hiện hữu, nâng cao mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước.

2. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Đất nước hôm nay đang đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng những thời cơ, vận hội mới cũng đang mở ra. Trong bối cảnh ấy, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trong dự thảo Báo cáo chính trị, Trung ương xác định mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chúng ta phấn đấu đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cụ thể hơn, chúng ta phấn đấu, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5-7%/năm. Đến năm 2025, tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD.

Có khát vọng, tầm nhìn, Trung ương Đảng đồng thời chuẩn bị đầy đủ với 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, 11 nhóm giải pháp, xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược. Đây chính là bộ cẩm nang để biến khát vọng trong giai đoạn mới thành hiện thực.

3. Qua 35 năm đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, từ những thành tựu và hạn chế, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu làm hành trang cho giai đoạn mới. Để có thể viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, tiếp tục khát vọng và biến khát vọng hiện hữu trên khắp đất nước Việt Nam mến yêu, thì những bài học ấy phải nằm lòng, thường trực ở trong tim mỗi con người Việt Nam, nhất là những con người “đứng mũi, chịu sào” ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương...

Trong đó, bài học hàng đầu là chú trọng đặc biệt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; phải coi cán bộ và công tác cán bộ thực sự là “then chốt của then chốt”. Phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”, mà cốt lõi là vì dân, do dân, lấy hạnh phúc, niềm tin và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu và thước đo năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức. Trong khi tập trung xây dựng đồng bộ thể chế, phải chú trọng giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong đổi mới, hội nhập và phát triển. Trên cơ sở nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ, phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Đảng và mỗi tổ chức Đảng phải chú trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam, vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, quyết vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.

Với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước bằng quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, phồn vinh và hạnh phúc là thực tế mà mỗi chúng ta có thể cảm nhận được một cách rõ ràng trong không khí của mùa xuân Tân Sửu đang rộn ràng đến bên hiên nhà. Đó cũng chính là nguồn động lực để chúng ta tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa của niềm tin và khát vọng, để tư duy thống nhất với hành động vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

PGS.TS Bùi Đình Phong