Hà Nội - thành phố của mùa xuân và sáng tạo
Đời sống - Ngày đăng : 06:18, 14/02/2021
1. Với riêng tôi, dấu mốc đầu tiên là vào năm 2010, trong chuyến công tác nước ngoài nhằm hoàn thiện hồ sơ để Lễ hội Gióng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khi đó tôi đã gặp và có cuộc trò chuyện thú vị, gợi mở về văn hóa và Thủ đô Hà Nội với Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thời điểm đó. Đến năm 2017, PGS.TS Bùi Hoài Sơn trở về sau chuyến tham dự hội thảo khu vực về xây dựng Thành phố sáng tạo và có thông tin cho tôi về việc UNESCO cùng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam dự kiến giúp Đà Nẵng hoặc thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hồ sơ Thành phố sáng tạo. Trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn về nội dung này, chúng tôi nhận thấy Hà Nội hoàn toàn có đủ điều kiện xây dựng hồ sơ ghi danh Thành phố sáng tạo UNESCO.
Phải nói rằng, vào thời điểm đó, trong khuôn khổ Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã đề xuất xây dựng Đề án “Đánh giá, đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, thông qua năm 2018, trong đó xác định một trong những nội dung liên quan tới công tác xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội là làm thế nào để khích lệ, thúc đẩy sức sáng tạo trong xã hội, nhất là đối với lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, thanh niên, doanh nhân... Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chủ trì tổ chức một số hội thảo, diễn ra không phải ở trụ sở hành chính mà là tại không gian sáng tạo “The Vuon - Giảng Võ”, có sự tham gia của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đại diện một số đơn vị, không gian sáng tạo, mang đến cảm hứng mới mẻ đối với các bên trước mối quan tâm chung về phát triển bền vững Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Như một cơ duyên, nhiều bước đi khác lần lượt diễn ra thuận lợi. Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft chủ động gặp lãnh đạo và các cơ quan liên quan của Thành phố; tham gia tổ chức hội thảo về chủ đề Thành phố sáng tạo tại trụ sở UNESCO ở Hà Nội với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; tham dự các cuộc Hội thảo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức xung quanh Đề án phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô (từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2018). Trước những động thái tích cực của thành phố Hà Nội, UNESCO đã chuyển hướng, từ việc dự kiến lựa chọn và giới thiệu 1 thành phố trẻ, năng động của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo năm 2019 sang lựa chọn giới thiệu Thành phố Hà Nội trở thành “Thủ đô sáng tạo đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO”.
Về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng nhận thấy rõ cơ hội phát triển qua việc tạo dựng một danh hiệu có tầm vóc quốc tế và mang ý nghĩa thiết thực. Bởi lẽ, năm 2019 là thời điểm đánh dấu 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình. Đây là một danh hiệu vô cùng ý nghĩa, nhưng chúng ta có thể và cần chứng minh rằng Thủ đô Hà Nội xứng đáng được ghi nhận ở những phương diện khác phù hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại, như Thành phố sáng tạo UNESCO, một trong những danh hiệu mà nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới mong muốn có được.
Ngày 16-11-2018, nhận lời mời của UNESCO, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với UNESCO tại trụ sở (có sự tham gia của lãnh đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) về vấn đề xây dựng Thành phố sáng tạo. Các bước tiếp theo, sau khi báo cáo Thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện việc xây dựng hồ sơ. Bước sang năm 2019, Hà Nội đã hội đủ điều kiện để hiện thực hóa ý tưởng đầy cảm hứng này.
Xác định mục tiêu, quyết tâm đã rõ, nhưng bước tiếp theo, rất quan trọng, là lựa chọn lĩnh vực nào để xây dựng Thành phố sáng tạo. Đề xuất đầu tiên của Sở Văn hóa - Thể thao là ngành nghề truyền thống. Đây đúng là một thế mạnh của Hà Nội, song qua trao đổi với các chuyên gia, bản thân tôi cũng nhận thấy Hà Nội xưa nay vẫn dựa trên những gì thuộc về truyền thống để khai thác, phát huy giá trị. Điều đó phần nào mang lại cảm giác là chúng ta chỉ ngoái đầu trở lại. Bởi thế, cần lựa chọn một lĩnh vực nào đó mà qua đó chúng ta có thể phát huy thế mạnh truyền thống của vùng đất bồi lắng phù sa văn hóa ngàn năm nhưng lại mang hơi thở thời đại.
Lãnh đạo thành phố, các chuyên gia, nhà quản lý thực sự đã nghĩ tới ẩm thực, âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc... và nhiều điều nữa, nhưng cuối cùng chúng tôi nhận rõ rằng thiết kế chính là lĩnh vực bao trùm được nhiều lĩnh vực khác, đáp ứng được các yêu cầu bảo tồn, tiếp nối và phát triển. Ở đây, thiết kế được hiểu là tổ chức lại những cái hiện có trên nền tảng khoa học và sáng tạo. Mục tiêu là lấy văn hóa, con người làm nguồn lực, động lực phát triển. Ví như cà phê trứng cũng là một sự sáng tạo, một sự tái tạo, tổ chức lại và phát triển thứ đồ uống đã quen thuộc. Như nhiều món ăn mới trong đời sống hôm nay cũng là kết quả sáng tạo của nghệ nhân. Và thực tế, nếu quan tâm hơn, nghiên cứu kỹ hơn dưới góc độ khoa học và bằng cái nhìn tinh tế, ta sẽ thấy rõ ẩn sâu dưới sự vận động của đời sống hôm nay chính là mạch nguồn sáng tạo của nhân dân.
2. Có thể nói, trụ cột của Thành phố sáng tạo nằm ở 3 nội dung chính: Nền tảng văn hóa; Nguồn lực về giáo dục; Tái tạo đô thị. Trong đó, tái tạo đô thị không nằm ở nghĩa hẹp như xây dựng lại hay cải tạo một công trình, mà mang nghĩa rộng là hướng tới sự bền vững, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu hàng đầu, cũng như đặt cộng đồng dân cư vào trung tâm của sự phát triển. Sự tái tạo cũng phải dựa trên nguyên tắc ứng xử đúng đắn với môi trường, dựa trên nguồn lực văn hóa, và dù là tái tạo với đô thị cũ hay tạo dựng những đô thị mới thì cũng đều phải căn cứ trên 3 trụ cột này.
Hà Nội có đầy đủ 3 trụ cột nói trên để tạo dựng một Thành phố sáng tạo đúng nghĩa.
Cũng như vậy, nội hàm Thành phố sáng tạo, mục tiêu xây dựng Thành phố sáng tạo theo tiêu chí của UNESCO đều phù hợp với mục tiêu, định hướng, mong muốn của Hà Nội: Phát triển thành phố xanh - thông minh - hiện đại.
Xác định được nội hàm, định hướng xây dựng Thành phố sáng tạo, chúng ta cũng đồng thời chỉ ra ý nghĩa của việc Hà Nội gia nhập mạng lưới 246 thành phố được ghi nhận danh hiệu này.
Trước hết, việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO cho chúng ta một nhận thức rõ ràng, rằng Hà Nội có nguồn lực to lớn mà nếu biết chú trọng khai thác, phát huy dưới cảm hứng chung mang tên “Thành phố sáng tạo” thì chúng ta sẽ tạo được động lực mới cho sự phát triển.
Thứ hai, xây dựng Thành phố sáng tạo giúp phát huy đầy đủ thế mạnh của Hà Nội, đó chính là thế mạnh về văn hóa, giáo dục. Đây là hai lợi thế vượt trội của Thủ đô, đã được khẳng định suốt chiều dài lịch sử.
Thứ ba, nếu tuân thủ việc xây dựng Thành phố sáng tạo theo định hướng nói trên, thì mọi công việc của thành phố từ hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện cũng phải bám theo định hướng đó, có nghĩa là chú trọng tính bền vững, dựa trên nguồn lực văn hóa, giáo dục, hướng đến cộng đồng và phát huy vai trò của cộng đồng.
Thứ tư, khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, ta sẽ tranh thủ được kinh nghiệm quốc tế cũng như có cơ hội, điều kiện đóng góp cho Mạng lưới, thể hiện được vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội thông qua việc tổ chức hoạt động nhằm hiện thực hóa những điều mà mình đã cam kết.
Sau 20 năm kể từ ngày được trao danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thủ đô Hà Nội lại tiếp tục được thế giới ghi nhận với danh hiệu mới - Thành phố sáng tạo. Đây cũng là lời khẳng định, cam kết với bạn bè quốc tế về tầm nhìn, nhận thức của Thủ đô Hà Nội đối với sự phát triển dài hạn, bền vững xứng tầm vị thế của một Thủ đô có lịch sử hơn nghìn năm tuổi - Thành phố Vì hòa bình...
3. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nêu rõ 3 mục tiêu ở 3 mốc thời gian: Năm 2025, năm 2030 và năm 2045. Trong đó, điểm chung là Hà Nội xác định không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn vươn ra thế giới, trước mắt là khu vực Đông Nam Á, châu Á và tiến tới là Thành phố kết nối toàn cầu.
Thực tế, trong bầu không khí đổi mới, phát triển chung của đất nước, Thủ đô Hà Nội ghi nhận sự hình thành và phát triển mạnh mẽ về không gian sáng tạo (với số lượng nhiều nhất cả nước). Đó như một lời khẳng định mạch nguồn không ngừng nghỉ của văn hóa trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội cũng như hướng vận động tất yếu của Thủ đô đang không ngừng vươn lên mạnh mẽ bằng nội lực.
Từ đây, chúng ta tiếp tục xác định những bước đi cần thiết nhằm thực hiện tốt những cam kết với UNESCO về xây dựng Thành phố sáng tạo.
Trước hết là cụ thể hóa các sáng kiến đề xuất cấp địa phương và quốc tế như kiến tạo Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội; dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội; lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á; mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ... Chúng ta sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế.
Thứ hai là hiện thực hóa các nội dung xây dựng Thành phố sáng tạo gắn với các nội dung được nêu tại văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong dịp làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vào tháng 9-2020 về xây dựng Thủ đô. Đó là: “Hà Nội phải là trung tâm kinh tế lớn, nhưng cái lớn hơn, Hà Nội phải là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, nơi tiêu biểu của nền văn hóa của dân tộc Việt Nam”, và “Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu về tất cả mọi phương diện”. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng có nhiều điểm mới, trong đó có nội dung: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô”.
Thứ ba là những công việc đã làm tốt thì phải làm tốt hơn nữa, như nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Đây cũng là nội dung Hà Nội có tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, Thành phố đã có Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 29-5-2017 về Thực hiện Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (trên cơ sở Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016).
Hơn một năm qua, Hà Nội đã có những khởi động cần thiết cho bước đi dài trên nền cảm hứng lớn - cảm hứng sáng tạo. Qua các sự kiện, các hoạt động, bước đầu thấy rõ một sự kết nối, một sự đồng hành từ thành phố đến các lực lượng sáng tạo, các chuyên gia...
Với tiềm năng phong phú, đa dạng, quyết tâm mạnh mẽ của mình, chúng ta tin Hà Nội sẽ thành công, không ngừng mang đến cảm hứng mới về thành phố mùa xuân và sáng tạo!
Đó cũng là tinh thần mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã thể hiện rõ trong phát biểu khai mạc chương trình "Tọa đàm cấp cao tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo": “Hà Nội tin rằng, nếu biết phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, thành phố sẽ một lần nữa hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo mang tên Thăng Long từ ngàn năm trước, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước, vai trò đầu tàu, vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”.
Nguyễn Văn Phong
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội