Đổi rác lấy… tương lai!
Công nghệ - Ngày đăng : 06:30, 15/02/2021
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Hơn 3 năm sinh sống và học tập tại Hà Nội, Đỗ Thị Minh Thư, sinh viên K68 - Khoa Sinh học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), cựu Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh học nhận thấy nhiều người chưa có ý thức phân loại rác tại nguồn. Thậm chí ngay trong ký túc xá, khuôn viên của trường rác vẫn bị vứt bừa bãi. “Từ thực trạng trên, tôi cùng một số thành viên trong câu lạc bộ đưa ra ý tưởng tổ chức chương trình “Đổi rác lấy tương lai” nhằm góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường trong học sinh, sinh viên”, Thư chia sẻ.
Sau khi tham khảo một số mô hình, Thư cùng các thành viên câu lạc bộ tổ chức chương trình “Đổi rác lấy tương lai” đầu tiên trong 3 ngày (từ 16 đến 18-10-2020), với sự hỗ trợ của Liên Chi đoàn Khoa Sinh học. Không chỉ đổi rác lấy cây, các sản phẩm thủ công tự tay làm, các sinh viên còn tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời để thu hút thêm nhiều người dân trong khu vực tham gia như: Nghệ thuật đường phố, trò chơi giải trí, trao đổi các sản phẩm thân thiện môi trường…
Tiếp nối thành công trên, chương trình thứ hai được tổ chức từ ngày 21 đến 23-1-2021. Cao Tuấn Kiệt, sinh viên K69 - Khoa Sinh học, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: “Chương trình đã giúp lan tỏa rộng rãi thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng khi có sự tham gia của đông đảo các thầy cô giáo, sinh viên, học sinh đến từ nhiều trường lân cận và cả người dân ở quận Cầu Giấy. Sau hai lần tổ chức, chúng tôi đổi được hơn 500 cây xanh và thu về hơn 1 tấn giấy, hơn 600 vỏ lon, hơn 200kg nhựa…”.
Còn Vũ Hoàng Thắng, sinh viên Khoa Điện tử - Trường Đại học Điện lực bày tỏ: “Tôi tham gia chương trình khi nhận thức được tác hại của rác với môi trường và cảm nhận rõ sự tâm huyết của các bạn sinh viên khi tự tay chế tác những sản phẩm thủ công từ vật liệu tái chế làm quà tặng cho người đến đổi rác”.
Đánh giá cao chương trình có ý nghĩa xã hội, Tiến sĩ Lê Thị Thủy, Bí thư Liên Chi đoàn Khoa Sinh học cho biết: “Thành công của chương trình không chỉ dừng lại ở thu được bao nhiêu kilôgam giấy, nhựa,... để tái chế mà quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn cho sinh viên”.
Lan tỏa lối sống xanh
Chia sẻ về dự định sắp tới, Cao Tuấn Kiệt cho biết: “Chúng tôi mong muốn tổ chức chương trình mỗi tháng một lần để thông điệp “Đổi rác lấy tương lai” được nhân rộng mạnh mẽ hơn...”.
Tiến sĩ Lê Thị Thủy cho biết, đây là ý tưởng sáng tạo của các sinh viên trong chương trình bảo vệ môi trường, nên được lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các giảng viên đánh giá cao. “Chương trình đã giúp sinh viên nhiều khoa có ý thức hơn trong hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Phong trào trồng cây cũng phát triển, tại khuôn viên làm việc và học tập của khoa, chúng tôi trồng nhiều cây xanh để tạo không khí mát mẻ, thân thiện môi trường”, Tiến sĩ Lê Thị Thủy chia sẻ.
Với vai trò là Đảng ủy viên phụ trách công tác thanh niên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn, Trưởng khoa Sinh học thông tin: “Trong các chương trình đào tạo của khoa, chúng tôi luôn có nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và hướng dẫn sinh viên cách tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường ở trường phổ thông, giáo dục học sinh sống thân thiện với thiên nhiên. Khoa luôn khuyến khích sinh viên gắn học tập với trải nghiệm thực tiễn để sau này khi trở thành giáo viên các em sẽ có kỹ năng tổ chức hoạt động xã hội cho học sinh”.
Để truyền đi thông điệp của chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn cho biết, toàn bộ giảng đường, phòng thí nghiệm, nghiên cứu, làm việc của Khoa Sinh học vừa được sửa chữa và sơn màu xanh. Bản thân các giảng viên cũng gương mẫu bảo vệ môi trường, mang nhiều cây xanh đến trồng tại ban công, phòng làm việc tạo không gian sống xanh, kích thích ý tưởng sống gần gũi thiên nhiên.
“Việc tổ chức chương trình “Đổi rác lấy tương lai” đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên và cộng đồng, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh. Vì thế, chúng tôi luôn khuyến khích sinh viên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để ngấm sâu hơn thông điệp bảo vệ môi trường, để Thủ đô ngày càng sạch đẹp, văn minh hơn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn nhấn mạnh.
Với những thành công bước đầu, hy vọng chương trình “Đổi rác lấy tương lai” sẽ góp thêm tiếng nói nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô; đồng thời đưa cây xanh đến từng không gian sống để lan tỏa ý tưởng sống xanh đến với mọi người.