Vững tin vào tương lai...
Đời sống - Ngày đăng : 09:23, 15/02/2021
Tiếp thêm động lực cho thế hệ trẻ
Năm nào cũng vậy, Tết Nguyên đán thường là thời điểm lòng người rộn ràng nhiều cung bậc cảm xúc. Trong không khí phấn khởi, tươi vui, dường như tất cả mọi người đều “gói” lại nỗi niềm riêng, chuẩn bị đón mừng năm mới với niềm tin vào những điều mới mẻ, tốt đẹp đang đến.
Cháu Phùng Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 8A, Trường Trung học cơ sở Phú Sơn (huyện Ba Vì), vừa chăm sóc người thân, vừa chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới trong ngôi nhà nhỏ ở xã Phú Sơn vào một ngày gần Tết Nguyên đán Tân Sửu: “Khi cháu mới chập chững tập đi, bố cháu bị tai biến khiến sức khỏe giảm sút, không còn khả năng lao động. Mẹ cháu là trụ cột, là điểm tựa của cả gia đình, nhưng tai ương một lần nữa ập đến với gia đình cháu, khi mẹ cháu phát hiện bị mắc bệnh hiểm nghèo vào năm 2017”.
Từ năm 2017 đến nay, nguồn thu nhập chính của gia đình cháu Quỳnh Anh là những đồng tiền ít ỏi có được từ việc chăn nuôi gà quy mô nhỏ và từ khoản tiền công được trả cho những giờ làm nghề may sau thời gian đi học của bản thân cháu. Song, nhờ có sự quan tâm, động viên, trợ giúp kịp thời của người thân, bạn bè, thầy cô, của các cơ quan chức năng và nhà hảo tâm, bố, mẹ Quỳnh Anh được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh; bản thân Quỳnh Anh được miễn học phí, hỗ trợ học bổng, sách vở, đồ dùng học tập để đến trường. Đáp lại sự quan tâm đó, Quỳnh Anh luôn nỗ lực vượt khó để học tập tốt, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện. “Trước thềm Tết đến, xuân về, cháu tự hứa với bản thân phải học tốt hơn nữa để trở thành điểm tựa vững chắc cho người thân”, Quỳnh Anh nói.
Trường hợp khác có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tốt mà chúng tôi gặp thời điểm gần Tết là cháu Nguyễn Hoài Nam, thôn Địch Thượng, xã Phương Đình (huyện Đan Phượng). Đi học về trên chiếc xe đạp mới do Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội trao tặng vào cuối tháng 11-2020, Nam ríu rít khoe kết quả học tập tốt. Nhìn con trai vui vẻ, chị Chu Thị Hoa - mẹ cháu Nam xúc động nói: “Tôi sinh được 3 con, Nam là con út. Bố các cháu không may mất sớm, bản thân tôi sức khỏe không tốt, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các con tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm, chăm lo từ nhiều phía, được học hành, tham gia các hoạt động vui chơi như bạn bè”.
Theo bà Dương Tuyết Nhung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), gần 13.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Hà Nội đều được quan tâm, chăm lo toàn diện. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, xuân về, các cháu nhận được sự quan tâm, yêu thương nhiều hơn. Còn theo bà Trần Thục Ninh, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu (quận Hà Đông), các cháu sống tại đây có cuộc sống tương đối đầy đủ, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để học văn hóa, học nghề, tiếp cận cơ hội việc làm. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cháu còn được nhận thêm nhiều phần quà ý nghĩa.
Điểm tựa cho người có hoàn cảnh khó khăn
Ngoài trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong năm 2020, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội tiếp tục được tạo chỗ dựa để vươn lên.
Với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, thành phố ưu tiên, tập trung nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh, hiện chỉ còn dưới 1% hộ nghèo. Đáng chú ý, bức tranh nông thôn ở những địa phương từng là “rốn nghèo” của thành phố, như xã An Phú (huyện Mỹ Đức) hay xã Ba Vì (huyện Ba Vì) ngày càng được “tô điểm” thêm những gam màu tươi sáng. “Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trồng sen kết hợp với du lịch,… phát triển ở An Phú, góp phần đưa kinh tế - xã hội của địa phương tăng trưởng ổn định. Số hộ khá, giàu tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, đến nay chỉ còn 1,78% so với tổng số hộ (tương ứng tới 39 hộ), giảm 36,6% so với thời điểm đầu năm 2016”, ông Nguyễn Bá Minh, Chủ tịch UBND xã An Phú cho hay.
Tại xã Ba Vì - nơi có 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao cư trú, đa số người dân tìm hướng thoát nghèo từ nghề trồng và chế biến thuốc Nam được đầu tư khôi phục tại địa phương và từ nguồn hỗ trợ sinh kế. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phùng Sinh Hùng, thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì cho biết: “Năm vừa qua, gia đình tôi được các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho vay vốn tín dụng ưu đãi để chăn nuôi lợn, bò, gà... Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo vào cuối năm 2020”. Ngoài hộ gia đình ông Phùng Sinh Hùng, năm 2020, xã Ba Vì còn có 21 hộ thoát nghèo, hiện chỉ còn 18 hộ nghèo (bằng 3,09%). Dự kiến trong năm 2021, xã Ba Vì sẽ không còn hộ nghèo. Bởi, 66 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã vừa được hỗ trợ bò sinh sản làm nguồn sinh kế để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đối với hộ nghèo, cận nghèo, thành phố duy trì triển khai các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, việc làm, nguồn tín dụng ưu đãi. Còn với hơn 192.000 trường hợp bảo trợ xã hội, tất cả đều được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định. Cùng với chính sách chung, từ quý IV-2019 đến nay, Hà Nội tiến hành trợ cấp hằng tháng bằng mức chuẩn nghèo của thành phố cho 8.100 trường hợp là người cao tuổi cô đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc khuyết tật đặc biệt nặng thuộc hộ nghèo, cận nghèo mà trong hộ không có người còn khả năng lao động, giúp các hộ có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo…
Thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đồng bộ, linh hoạt, năm 2020, trên địa bàn thành phố có hơn 4.500 hộ thoát nghèo. Hiện nay, cơ bản không còn hộ nghèo, trừ một số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hộ có hoàn cảnh đặc biệt. Đáng chú ý, Hà Nội có 11 quận (Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân) và 3 huyện (Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm) không còn hộ nghèo, riêng quận Cầu Giấy và quận Hai Bà Trưng không còn cả hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Thực hiện mục tiêu không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo giai đoạn 2021-2025, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh, trong năm mới Tân Sửu 2021 và những năm tiếp theo, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn Hà Nội sẽ được nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung và triển khai linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa phương, nhu cầu của các trường hợp cần trợ giúp. Trước mắt, thành phố dành hàng trăm tỷ đồng để tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách, bảo đảm người người, nhà nhà vui đón Tết Tân Sửu trong không khí ấm áp, vững vàng niềm tin vào tương lai tươi sáng.