Kỷ niệm 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2021): Biểu tượng cho ý chí quật cường

Văn hóa - Ngày đăng : 07:38, 16/02/2021

(HNM) - “Một trận rồng lửa giặc tan tành, bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh. Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến. Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh” - sĩ phu Ngô Ngọc Du đã mô tả như vậy về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân 232 năm về trước (1789-2021). Âm hưởng từ bản anh hùng ca ấy, đến nay vẫn còn ngân vang mãi như một biểu tượng cho ý chí quật cường, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Một tiết mục nghệ thuật tại Lễ hội kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (ngày 29-1-2020). Ảnh: Thanh Hải

Trang sử vẻ vang

Sử sách còn ghi, cuối năm 1788, triều đình Mãn Thanh lợi dụng thế nước ta rối ren, phái Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị thống soái 29 vạn quân tràn sang xâm lược, khiến dân ta lầm than, ai oán. Nhận được cấp báo, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cho lập đàn làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, tiến quân ra Bắc. Dưới sự chỉ huy tài tình của Hoàng đế Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn đã viết vào sử sách một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng nhất của dân tộc, chặn đứng ý định xâm chiếm Đại Việt của quân Thanh.

Theo đó, nắm được cách bố trí lực lượng của địch, Hoàng đế Quang Trung chia quân làm năm đạo cùng tiến về thành Thăng Long. Giữa ba quân, lời hiếu dụ tướng sĩ của đức vua vang động, ý chí ngút ngàn: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc Anh hùng chi hữu chủ”. Giữa đêm 30 Tết, đại quân vượt sông Giao Thủy, diệt gọn đồn tiền tiêu ở Gián Khẩu. Nửa đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu 1789, tướng sĩ Tây Sơn vây chặt đồn Hà Hồi, khiến quân Thanh không kịp kháng cự.

Sáng mùng 5 Tết, quân Tây Sơn tấn công dũng mãnh Ngọc Hồi khiến đồn giặc nhanh chóng thất thủ. Cũng trong sáng này, đạo quân của Đô đốc Đặng Tiến Đông áp sát đồn Đống Đa, nhanh chóng đánh tan sở chỉ huy của địch. Tàn quân Thanh rút chạy về Loa Sơn (nay là khu vực gò Đống Đa), thì vấp phải trận “rồng lửa” của người dân Thăng Long trợ lực diệt thù, đành bỏ mạng. Đánh nhanh, rút gọn, nghĩa quân Tây Sơn tiến thẳng về cung Tây Long (nay là khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội) khiến Tôn Sĩ Nghị “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã nhằm hướng Bắc mà chạy”. Trưa mùng 5 Tết, Vua Quang Trung ngồi trên lưng voi tiến vào thành Thăng Long trong niềm hân hoan của người dân Kinh kỳ, mở thêm trang sử mới, bản hùng ca trong hành trình dựng nước và giữ nước đáng tự hào của dân tộc.

Vang mãi bản hùng ca

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, trận Ngọc Hồi - Đống Đa không chỉ thể hiện nghệ thuật quân sự tuyệt vời của người anh hùng áo vải - Hoàng đế Quang Trung, mà quan trọng hơn là minh chứng hùng hồn cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập, tự do của dân tộc ta. “Mùa xuân rực rỡ chiến công cách đây 232 năm đã đi vào lịch sử đất nước và lòng người Việt Nam. Đó là một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường và sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Nếu như chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được đặt tên cho cả chiến dịch đại phá quân Thanh, thì di tích gò Đống Đa được xem là biểu tượng chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn, đến giờ vẫn được bảo tồn, gìn giữ một cách nghiêm cẩn. Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra mùng 5 Tết hằng năm với nhiều nghi thức độc đáo và hấp dẫn, như trình diễn trống hội, múa rồng, tái hiện sử thi và thế trận “rồng lửa”.

Để phát huy hiệu quả giá trị di tích gò Đống Đa, GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, cần xây dựng bảo tàng về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, gồm phòng tranh mô tả cảnh quân Thanh ồ ạt kéo sang, lễ lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung, cảnh nghĩa quân chinh phạt đồn giặc và đặc biệt là tái hiện tỉ mỉ trận Ngọc Hồi - Đống Đa. Nơi đây cũng cần có khu vực tái hiện và trưng bày trang phục, vũ khí thời Tây Sơn, phòng chiếu phim 3D. Còn theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cần dựng lại miếu Trung Liệt, xây dựng trung tâm diễn giải lịch sử, để công chúng và du khách được trải nghiệm, tương tác với lịch sử.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Đặng Việt Quân cho biết, tháng 12-2019, quận đã tổ chức Hội thảo Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa, lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành về văn hóa, lịch sử, khảo cổ học để nâng cao hiệu quả công tác lưu giữ, phát huy giá trị tinh thần của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Kỷ niệm 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa trong lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang phát huy sức mạnh tổng hợp, nỗ lực phấn đấu đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội vào cuộc sống; tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 càng mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc. Bài học của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chính quyền và nhân dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu đề ra.

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 3-2-2021 về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và căn cứ vào tình hình thực tế, ngày 5-2, UBND quận Đống Đa đã quyết định dừng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa để tập trung vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.        

Nguyễn Thanh