Mãi xứng đáng với niềm tin yêu
Đời sống - Ngày đăng : 06:42, 16/02/2021
Trước thềm năm mới Tân Sửu, cùng nhìn lại chặng đường đã qua của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô để tự hào và rút ra những bài học quý báu, chuẩn bị cho những chặng đường phát triển mới, với tương lai rộng mở phía trước, mãi xứng đáng với niềm tin yêu.
Ông Trần Trúc Thanh, 58 năm tuổi Đảng, Chi bộ 8, phường Trung Liệt (quận Đống Đa):
Tin tưởng Hà Nội sẽ có những bước đột phá, xứng đáng với niềm tin của người dân Thủ đô và cả nước
Sự thành công của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội vừa qua cho thấy, công tác chuẩn bị rất công phu, bài bản đối với cả hai nội dung lớn là văn kiện và nhân sự. Văn kiện Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 cũng định hướng vào vấn đề lớn của Hà Nội trong thời gian tới. Đặc biệt, kết hợp chặt chẽ mục tiêu trước mắt của nhiệm kỳ 2020-2025 với tầm nhìn xa đến giai đoạn 2030-2045. Sự kết hợp giữa mục tiêu trước mắt với mục tiêu cơ bản lâu dài được thể hiện rất rõ, nhất là xây dựng đô thị văn minh, sáng tạo, nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô... Đảng bộ Hà Nội có quá trình chuẩn bị lựa chọn nhân sự cho ban lãnh đạo mới rất nghiêm túc, thực hiện đúng Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, có trình độ, năng lực, đạo đức. Tỷ lệ cán bộ trẻ có trình độ học vấn cũng cao hơn so với những nhiệm kỳ trước.
Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng Thành ủy Hà Nội sẽ lãnh đạo Thủ đô phát triển trong nhiệm kỳ mới tốt hơn. Hà Nội sẽ có những bước đột phá, xứng đáng với niềm tin của nhân dân Thủ đô và cả nước.
Ông Nguyễn Trung Hiểu, phố Kim Ngưu, phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng):
Đời sống của nhân dân Thủ đô sẽ ngày càng được cải thiện và nâng cao
Cùng với mục tiêu xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, một trong những mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020-2025 là: An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong giai đoạn 2015-2020, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trước thời hạn 2 năm, cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Không dừng lại ở đó, để đưa Nghị quyết Đại hội XVII vào cuộc sống, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng 10 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa. Trong đó, Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” là một trong những chương trình công tác mới so với nhiệm kỳ 2015-2020. Đây là cơ sở để người dân Thủ đô tin tưởng rằng, đời sống sẽ ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Bà Nguyễn Thị Hường, thôn Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức:
Hy vọng Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển bền vững, đi vào chiều sâu
Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã giúp nông thôn Hà Nội nói chung và huyện Mỹ Đức quê tôi nói riêng ngày càng phát triển bền vững, đi vào chiều sâu. Được biết, 5 năm qua, Hà Nội tập trung nguồn lực rất lớn với hơn 61.200 tỷ đồng và huy động nguồn lực xã hội hóa rất lớn từ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân cho xây dựng nông thôn mới.
Từ chương trình này, có nhiều mô hình chuyển đổi kinh tế giá trị cao phát huy được sản phẩm đặc sản truyền thống của từng vùng miền, góp phần nâng cao thu nhập người dân. Trong đó, huyện Mỹ Đức đã phát huy tiềm năng du lịch các xã vùng xa. Điển hình mô hình trồng hoa sen gần 200ha ở xã miền núi An Phú, mô hình trồng hoa súng trên suối, đầm nước trở thành điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Trước đây, mỗi năm huyện Mỹ Đức thu hút 1,5 triệu khách, tập trung chủ yếu trong 3 tháng lễ hội chùa Hương. Nay có thêm mô hình du lịch mới hứa hẹn du khách đến với Mỹ Đức cả 4 mùa trong năm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Hướng phát triển du lịch của Mỹ Đức khẳng định hướng đi đúng, tạo đà cho Chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Với quyết tâm cao như vậy, hy vọng Chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới sẽ ngày càng phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Ông Lê Trọng Duẩn, 38 năm tuổi Đảng, Chi bộ số 21, phường Đức Giang, quận Long Biên:
Từng bước xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng thành phố thông minh
Năm 2020 qua đi với những khó khăn bộn bề do hệ quả của dịch Covid-19 để lại, song chính trong giai đoạn cách ly, giãn cách xã hội, chúng ta càng thấy vai trò, hiệu quả của chính quyền điện tử được phát huy tối đa.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt trong đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng thành phố thông minh.
Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, song nhờ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, 100% UBND cấp xã, phường được giao ban trực tuyến kết nối với UBND thành phố, các sở, ngành, UBND cấp huyện; công tác chỉ đạo, điều hành được diễn ra thông suốt dưới hình thức gửi giấy mời, tài liệu họp qua thư điện tử; các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh, gọn, chính xác trên phần mềm "một cửa điện tử" liên thông.
Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện đang cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, cũng như tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đều đạt tỷ lệ 91%. Để đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong tương lai, Hà Nội đặt mục tiêu các đơn vị phải bảo đảm 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 100% cán bộ công chức, viên chức thường xuyên đào tạo, tập huấn về chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước phải công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ này.
Đây là những tiền đề vững chắc để sớm đưa Hà Nội trở thành thành phố thông minh, phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn và thân thiện cho tất cả người dân, trên cơ sở tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.