Kỳ tích xuất siêu và sự đảo chiều của xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 16:09, 16/02/2021

Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục hơn 19 tỷ USD năm 2020, cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Những con số này đã đưa Việt Nam đứng thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng phát triển. Ảnh: TTXVN.

Xuất siêu kỷ lục

Năm 2020 với những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhất là nền kinh tế Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới. Xuất khẩu năm 2020 gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung bị đứt gãy, đơn hàng tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực bị đứt quãng...

Tuy nhiên, với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ, Bộ Công Thương, Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD, riêng xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương về xuất khẩu. 

Cùng với đó, xuất siêu đạt hơn 19 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Những con số ấn tượng này đã đưa Việt Nam đứng thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu; đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia... 

Cùng với đó, cán cân thương mại đạt thặng dư trong cả giai đoạn với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước. Năm 2016, cán cân thương mại thặng dư là 1,77 tỷ USD và ước khoảng 20 tỷ USD năm 2020. 

Dưới góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập đã được thể hiện rõ ràng hơn, hoạt động xuất nhập khẩu không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh dịch Covid-19, với việc thành công trong chống dịch, tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam chính là điểm sáng trên toàn thế giới.

Nhìn nhận về kết quả xuất nhập khẩu đạt được trong năm 2020, đặc biệt là con số xuất siêu, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam xuất siêu "khủng" như trên là kết quả tích cực. Điều này cho thấy nỗ lực của Chính phủ, cũng như các bộ, ngành trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. 

Hướng tới chuyển xuất khẩu từ lượng sang chất

Có thể thấy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thời gian qua đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới, thu hút đầu tư. 

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để hoạt động xuất khẩu thực sự bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các FTA, các lĩnh vực sản xuất, chế biến trong nước cần phải được hồi phục thực sự. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng, cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại…

Tiến sĩ Lê Quốc Phương nhận định, để thực sự bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn không phải chỉ là 5 năm, mà 10 năm tới, điểm mấu chốt trong chiến lược xuất - nhập khẩu của Việt Nam phải chuyển đổi từ tăng xuất khẩu về mặt số lượng sang tăng về chất lượng. Giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam thấp, chủ yếu là gia công xuất khẩu. Điểm mấu chốt trong 10 năm tới cần tập trung nâng cao về chất lượng, chứ không phải về số lượng, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Muốn vậy, giải pháp là phải chuyển từ nền kinh tế gia công xuất khẩu sang sản xuất, xuất khẩu hàng có hàm lượng công nghệ; tỷ lệ nội địa cao hơn bằng cách phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, năm 2021, mặc dù tình hình thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi và cơ hội tốt để thực hiện việc thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tổ chức lại các chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất theo hướng bền vững hơn.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 FTA khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), đã kết thúc đàm phán 1 và đang đàm phán 2 Hiệp định với các đối tác khác. Để khai thác tốt lợi ích mà các FTA này mang lại, vai trò của các địa phương, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng. 

Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa cùng các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Trong đó, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại dịch và tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vai trò của thị trường trong nước, tập trung cao hơn các giải pháp để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu, phát huy động lực tăng trưởng từ thương mại trong nước. 

Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 của ngành Công Thương đặt ra chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân từ 5%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 340 tỷ USD vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tăng 5%. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ tăng trưởng trung bình từ 7-10%/năm. Nhóm hàng công nghiệp chế biến được nhận định tiếp tục là động lực của xuất khẩu hàng hóa với tỷ trọng trong tổng kim ngạch tăng lên khoảng 85,3% vào năm 2025; tỷ trọng nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm xuống còn khoảng 1,15% vào năm 2025. 

Theo Thu Trang/Báo Tin tức