''Xanh hóa'' các tuyến kênh, rạch
Công nghệ - Ngày đăng : 08:10, 17/02/2021
Với người dân thành phố Hồ Chí Minh, hình ảnh những dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm… được “hồi sinh” bằng những hàng cây rợp bóng mát, dòng nước xanh mát không còn quá xa lạ nhiều năm nay. Không những vậy, dọc hai bên những dòng kênh này còn là những công viên được trang bị đầy đủ các dụng cụ và máy tập thể dục phục vụ người dân rèn luyện sức khỏe hằng ngày. “Nếu như trước đây, người dân phải sống chung với ô nhiễm bởi mùi hôi thối quanh dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm thì nay mọi thứ đã lột xác kỳ diệu khi người dân được hưởng bầu không khí trong lành từ sự nỗ lực tuyệt vời của chính quyền thành phố”, ông Lê Minh Hóa (65 tuổi, ngụ đường Hậu Giang, phường 11, quận 6) chia sẻ.
Quận 12 là một trong những điểm sáng trong việc thực hiện cải tạo, “xanh hóa” các dòng kênh trên địa bàn. Vừa qua, UBND quận 12 đã gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh cho công trình kè rạch Sơ Rơ (giai đoạn 2). Công trình có chiều dài gần 1km, dọc tuyến được bê tông hóa kiên cố, lan can chắc chắn, hai bên được thảm cỏ và cây xanh dọc tuyến. Phó Chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc cho biết, quận 12 là một trong những địa phương có hệ thống kênh, rạch dày đặc của thành phố. Theo kế hoạch, giai đoạn 5 năm tới, các tuyến kênh, rạch trên địa bàn sẽ được nâng cấp, cải tạo. Khi hoàn thành, các công trình này sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước, chỉnh trang đô thị, tạo mỹ quan đô thị sạch, đẹp.
Theo PGS.TS Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), không gian cây xanh quanh mặt nước phải được xem là xương sống trong việc phát triển mảng xanh đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Để triển khai hiệu quả, việc xác định mốc giới dự án để ưu tiên quỹ đất và chỉ tiêu quy hoạch là hết sức quan trọng nhằm tăng sức hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội đối với dự án.
Về phía Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Nguyễn Thanh Nhã cho hay, Sở đang hoàn thiện đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, giai đoạn 2020-2045. Mục tiêu nhằm cải tạo, hoàn thiện không gian khu vực kè bờ sông, bảo tồn và phát huy giá trị môi trường tự nhiên, cảnh quan văn hóa và đặc trưng đô thị. Cùng với hệ thống kênh, rạch, ao, hồ, mương nước dọc sông hình thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng.
Còn theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, cùng với việc kêu gọi đầu tư vào các dự án cải tạo kênh, rạch, thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo kênh, rạch đang thực hiện. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các dự án chỉnh trang dọc các tuyến kênh đã cải tạo xong để góp phần nâng cao đời sống người dân và cảnh quan khu vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay bảo vệ các dòng sông, kênh, rạch.
Với vai trò là cơ quan chủ quản, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến hết năm 2020, thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét hơn 81km sông, kênh, rạch với tổng số 229 tuyến; khơi thông 193 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài gần 60km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, giảm ngập nước, cải thiện vệ sinh môi trường, tô điểm thêm cho hình ảnh xanh - sạch - đẹp của thành phố...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, với đặc thù sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ nỗ lực chỉnh trang, nạo vét và đưa các dòng kênh này trở nên đẹp đẽ hơn. Năm 2021, thành phố sẽ dồn lực thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) và kênh Tham Lương - Bến Cát (quận Tân Bình và Bình Tân); khôi phục kênh Hàng Bàng (quận 5 và 6), kênh A41 (quận Tân Bình)..., nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan, tạo môi trường sống xanh, sạch cho người dân thành phố.