Doanh số bán hàng trực tuyến trong dịp Tết nguyên đán tăng mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 16:54, 17/02/2021
Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 20-25%, chiếm 5-7% tổng doanh thu bán hàng; tỷ trọng khách hàng thanh toán trực tuyến chiếm 10-20%, tăng khoảng 15%.
Giá hàng hóa duy trì ổn định so với thời điểm trước Tết. Lượng hàng tồn kho sau Tết dưới 10%, bảo đảm lượng tồn kho hợp lý để sẵn sàng phục vụ nhân dân sau Tết. Từ ngày mùng 4 Tết, hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã mở cửa trở lại, lượng hàng hóa cung ứng bảo đảm dồi dào, giá cả ổn định; một số siêu thị như BigC sau Tết doanh thu tăng trưởng tốt (tăng khoảng 30% so với cùng kỳ 2020).
Đối với các chợ trên địa bàn, lượng hàng về chợ và lượng khách đến mua sắm tăng 5-10% so với ngày thường nhưng giảm khoảng 10% so với Tết năm 2020. Giá cả hàng hóa tại chợ cơ bản ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương đã cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, phương án triển khai đồng bộ công tác phục vụ Tết. Nhờ đó, thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết dồi dào, đa dạng, không xảy ra hiện tượng mua tích trữ hàng hóa hoặc thiếu hàng, tăng giá đột biến (bao gồm cả các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19). Công tác phòng, chống dịch tại hệ thống các điểm bán lẻ được thực hiện nghiêm túc.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, dịp sát Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số mặt hàng nông, thủy sản của các tỉnh khó khăn trong việc tiêu thụ. Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với sở công thương các tỉnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Trong đó, hỗ trợ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh tiêu thụ 300 tấn rau, củ, quả tại hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội và hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Hà Nội tại các tỉnh; hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh đưa các sản phẩm thủy sản cá, hàu, tôm, ghẹ vào các hệ thống phân phối để tiêu thụ; hỗ trợ các xe chở hoa tươi của tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh, thành phố trong việc vận chuyển hàng hóa đến các điểm chợ hoa xuân và các chợ trên địa bàn thành phố; phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong chuẩn bị, cung ứng tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn…
Về phía các doanh nghiệp, đã chủ động áp dụng nhiều phương thức bán hàng và thanh toán để hỗ trợ người dân mua sắm trong dịp Tết (nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát), nên doanh thu bán hàng của các đơn vị không giảm, bảo đảm hiệu quả hoạt động kinh doanh.