Hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi

Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 18/02/2021

(HNM) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là dẫn hướng cho hành động để đưa doanh nghiệp, người dân trở thành trung tâm phục vụ.

Kiểm kê hàng nhập khẩu tại Cảng cạn Long Biên (Chi cục Hải quan Gia Thụy, Cục Hải quan thành phố Hà Nội). Ảnh: Đỗ Tâm

- Xin ông đánh giá về tình hình cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua?

- Kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn tiếp tục đà tăng tiến từ nhiều năm qua. Đặc biệt trong năm 2020, kết quả trên là một trong những điều kiện để ổn định vĩ mô trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều thách thức từ thiên tai và dịch Covid-19.

Thực tế, cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trở thành hoạt động thường xuyên, là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Theo kết quả xếp hạng của các tổ chức quốc tế, chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của Việt Nam đều được cải thiện. Quy mô nền kinh tế tiếp tục mở rộng, kết quả thu hút đầu tư, xuất khẩu gặt hái những thành công đáng ghi nhận. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn dòng vốn đầu tư, hứa hẹn sẽ từng bước trở thành cứ điểm sản xuất nhiều loại sản phẩm công nghệ cao.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông còn những hạn chế, tồn tại nào cần tiếp tục khắc phục?

- Dù đã có những bứt phá đáng kể nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa lọt được vào nhóm 3 hoặc 4 nền kinh tế tốt nhất khu vực ASEAN.

Thực tế cho thấy, đây đó, ở mức độ khác nhau, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với những quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử, doanh nghiệp lúng túng, bị động trước một số cụm từ liên quan đến điều kiện kinh doanh chưa rõ ràng, như “đủ”, “phù hợp”, “cần thiết”... Những điều kiện như vậy đưa đến nhiều cách hiểu, diễn giải khác nhau giữa cơ quan cấp phép và doanh nghiệp; dễ phát sinh nguy cơ gây khó cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiệu quả phục vụ của cơ quan chức năng cũng còn một số tồn tại như nạn vòi vĩnh, thanh, kiểm tra nhiều lần, thái độ thờ ơ của một bộ phận cán bộ, công chức…

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, hệ thống cơ quan quản lý liên tục nâng cao trách nhiệm và lấy hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, người dân làm thước đo để vươn lên; bảo đảm thực hiện đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ, nhất là lãnh đạo cơ quan làm được như vậy chính là đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung.

- Như vậy, theo ông, vấn đề cải cách để tiếp tục nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp vẫn là nội dung quan trọng trong thời gian tới?

- Đúng vậy. Vấn đề đã rõ nhưng đòi hỏi sự kiên trì thực hiện với một thái độ cầu thị, tinh thần quyết liệt cũng như nhất quán trong hành động. Doanh nghiệp cần được ra đời và hoạt động trong điều kiện tốt nhất, để lớn lên bình đẳng; từ đó nền kinh tế sẽ được tiếp sức bằng nhiều nguồn lực tổng hợp. Đó là cội nguồn, điều kiện đầu vào tạo ra tăng trưởng, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như an sinh xã hội…

Bản thân tôi rất tâm đắc với việc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế... Đây là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa dẫn hướng cho hành động và đáp ứng nhu cầu chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Cũng có thể hiểu, doanh nghiệp sẽ luôn là đối tượng được hướng tới để phục vụ ngày càng kịp thời, hiệu quả hơn. Hơn thế, qua đó Việt Nam sẽ tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, kiên trì đổi mới, hướng tới thịnh vượng.

-  Theo ông, cần làm gì để đạt mục tiêu đó?

- Thành thông lệ, vào ngày đầu tiên của năm mới, Chính phủ ban hành hai nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tinh thần chỉ đạo cũng như mục tiêu và yêu cầu được nêu đầy đủ trong hai nghị quyết, thiết nghĩ đó là “đề bài” để chúng ta tập trung làm tốt ngay từ đầu năm với sự đồng lòng vào cuộc bằng quyết tâm, trách nhiệm cao nhất.

Tôi cũng như nhiều doanh nhân nhận thấy, con đường trở thành nước phát triển đang ngày càng rút ngắn hơn; một phần nhờ vào những cải cách về thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao trình độ quản trị và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ. Từ thời điểm hiện tại, chúng ta có thể nhìn về 25 năm tiếp theo và cùng hy vọng Việt Nam khi đó sẽ đứng trong nhóm những nước phát triển, có vị thế xứng đáng trên thế giới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Sơn