Thay đổi nhận thức về rác thải nhựa
Công nghệ - Ngày đăng : 06:57, 20/02/2021
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung:
Huy động cả cộng đồng cùng vào cuộc
Từ sự vận động, kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy”, đến nay 100% đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể của quận không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, không dùng nước uống đóng chai nhựa; không dùng cốc, ống hút nhựa... Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, quận Hai Bà Trưng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống rác thải nhựa, túi ni lông đến năm 2025. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm huy động cả cộng đồng cùng vào cuộc, ngăn chặn tận gốc phát sinh rác thải nhựa.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn:
Tăng cường trách nhiệm xã hội về sản xuất, tiêu dùng bền vững
Từ mục tiêu phấn đấu 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% số làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững của thành phố Hà Nội, huyện Mê Linh đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa, tăng cường trách nhiệm xã hội về sản xuất, tiêu dùng bền vững. Nhờ vậy, trong sản xuất, các đơn vị trên địa bàn huyện đã quan tâm sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho các sản phẩm bao bì nhựa. Cùng với tuyên truyền, huyện còn huy động các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng áp dụng những giải pháp, phương thức đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Hữu Tiến:
Hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn
Từ tháng 9-2020, URENCO đã phối hợp với UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam tổ chức chương trình thu mua rác tái chế và đổi quà vào thứ bảy hằng tuần nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa cho người dân Hà Nội. Với rác thải nhựa thu được, URENCO thực hiện sơ chế, chuyển đến các đơn vị xử lý riêng biệt. Rác thải nhựa có giá trị cao sẽ được tái chế thành bao bì sản phẩm; rác thải nhựa có giá trị thấp và không có giá trị sẽ được xử lý, tái chế thành viên đốt - nhiên liệu đầu vào trong quy trình sản xuất của các nhà máy công nghiệp. URENCO cũng đã ra nghị quyết về công việc phân loại, tái chế, thu gom rác thải nhựa và tái chế nói chung sẽ là một ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Luyến, phường Đức Giang, quận Long Biên:
Cần sớm xây dựng hệ thống xử lý, tái chế rác thải nhựa
Theo dõi thông tin trên báo, đài, tôi được biết trung bình mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh từ 6.000 đến 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác thải rất lớn nhưng đơn vị thu gom chưa đủ điều kiện để phân loại rác tái chế, nhất là rác thải nhựa, túi ni lông nên hầu hết rác thải được chuyển thẳng đến các khu chôn lấp. Đây chính là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường do sau thời gian chôn lấp, rác thải nhựa sẽ tan rã thành các mảnh nhựa với nhiều kích cỡ khác nhau. Những mảnh vi nhựa này sau đó sẽ lẫn vào môi trường đất, nước, không khí..., đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người và các loài sinh vật. Do đó, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân tự nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, mong cơ quan quản lý sớm triển khai việc phân loại rác thải ngay tại nguồn; đồng thời cần xây dựng hệ thống xử lý, tái chế rác thải nhựa.
Bà Nguyễn Thu Uyên, phường Quang Trung, quận Đống Đa:
Thay đổi nhận thức để có những hành động cụ thể
Là người thường xuyên đi mua sắm, tôi nhận thấy ý thức của nhiều người kinh doanh và một bộ phận người dân về sử dụng túi ni lông và các chế phẩm dùng một lần từ nhựa đã được nâng lên đáng kể. Tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: Khay, hộp, đĩa, bát... được sản xuất từ bã mía; thực hiện việc gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên... Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn diễn ra phổ biến. Rất mong sau khi triển khai thực hiện đề án, người kinh doanh tại chợ truyền thống và người dân sẽ hiểu rõ hơn về mối nguy do rác thải nhựa gây ra và thay đổi nhận thức, từ đó có những hành động thiết thực, cụ thể nhằm bảo vệ chính bản thân mình và môi trường sống.