Gắn tái đàn với phòng, chống dịch bệnh
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:31, 22/02/2021
Đẩy mạnh tái đàn
Những ngày này, nông dân ở các địa phương đang tích cực chuẩn bị chuồng trại, tổng vệ sinh tiêu độc môi trường, bước vào vụ chăn nuôi mới. Ông Vương Đình Tiến, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Gia đình tôi đã đầu tư xây dựng lại hệ thống chuồng trại theo mô hình khép kín và nhập thêm 100 con lợn giống, nâng tổng đàn lên 500 con lợn”. Còn ông Phạm Văn Chiến, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) thông tin: “Sau khi tổng vệ sinh chuồng trại, tôi nhập 100 con gà ta thả vườn, nếu thuận lợi 6-7 tháng nữa sẽ xuất chuồng”.
Về việc tái đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ Hoàng Lê Đại Thắng cho biết, toàn huyện hiện có 559 trang trại chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư, thời điểm hiện tại tổng đàn lợn đã đạt gần 198.000 con; đàn gia cầm gần 6,2 triệu con… Thời gian tới, Chương Mỹ tập trung đưa tổng đàn lợn lên 240.000 con như trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi; đồng thời giữ ổn định đàn gia cầm góp phần đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho người dân Thủ đô. Cũng về vấn đề này, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, từ đầu tháng 2 đến nay, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn đã tái đàn được gần 60.000 con lợn, nâng tổng đàn lên 586.000 con; hơn 500.000 con gia cầm, nâng tổng đàn lên 2,3 triệu con. Qua kiểm tra thực tế, người chăn nuôi đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn vật nuôi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, hiện người chăn nuôi đang đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn cho vụ chăn nuôi mới. Nhìn chung, công tác tái đàn diễn ra thuận lợi ở các địa phương; các trang trại, hợp tác xã, người chăn nuôi có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh nên đã chuyển sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Năm 2021, ngành chăn nuôi Hà Nội đặt mục tiêu tăng tổng đàn lợn lên 1,8 triệu con, đàn gia cầm hơn 40 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 160.000 con.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Các trang trại, hợp tác xã, người chăn nuôi đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn đúng vào thời điểm tiết xuân, có độ ẩm cao. Do vậy nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất lớn. Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) chia sẻ, để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, trước khi nhập đàn lợn mới về nuôi, trang trại đã tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc môi trường. Giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế dịch bệnh là trang trại phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, kiểm soát nguồn thức ăn đầu vào; đồng thời không sử dụng chất cấm, chất tăng trọng tạo nạc, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, huyện luôn khuyến cáo người chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ thông tin dự báo về diễn biến thị trường, về cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm trước khi tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi. Trong quá trình tái đàn vật nuôi cần thận trọng, không nóng vội tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh thời gian trước đó. "Nhằm hỗ trợ nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, huyện Thanh Oai sẽ tạo điều kiện để các chủ hộ chăn nuôi, chủ trang trại tiếp cận với nguồn vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố. Đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp các chủ trang trại, hộ chăn nuôi nắm vững kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi", ông Bùi Văn Sáng khẳng định.
Đề cập đến việc tăng đàn, tái đàn gắn với phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin, hiện tại, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với chính quyền địa phương thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm, kiểm tra công tác tái đàn. Cùng với đó là hướng dẫn người dân thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi (tập trung trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 28-2). "Người chăn nuôi cần lựa chọn con giống kỹ lưỡng tại những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định của cơ quan thú y và phải nuôi cách ly, theo dõi ít nhất 2 tuần", ông Nguyễn Huy Đăng lưu ý.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, ngành Nông nghiệp Thủ đô yêu cầu các địa phương hướng dẫn công tác tái đàn có trọng điểm, theo quy hoạch của thành phố; khuyến khích tập trung tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, khép kín, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.