Siết kỷ luật để học thực chất
Giáo dục - Ngày đăng : 06:19, 23/02/2021
Tăng cường kiểm soát
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức như năm 2020 và vẫn có mục đích xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, làm cơ sở để đánh giá chất lượng dạy - học ở các nhà trường. Các cơ sở giáo dục đại học cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.
Tuy nhiên, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến góp ý cho thấy có một số điều chỉnh, nhằm tăng cường kiểm soát để bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan của kỳ thi và hạn chế nguy cơ xảy ra gian lận.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh, ngoài các hành vi vi phạm được nêu trong quy định hiện hành, như mang vật dụng trái phép vào phòng thi, đưa đề thi ra ngoài, nhận bài giải từ ngoài vào, viết vào tờ giấy làm bài nội dung không liên quan, năm 2021, thí sinh không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát, mang vật dụng trái phép vào phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ cũng bị đình chỉ thi.
Để tăng tính nghiêm túc, hạn chế nguy cơ xảy ra các hành vi gian lận, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông nêu rõ nguyên tắc ở khâu sắp xếp phòng thi. Theo đó, các đối tượng thí sinh tự do (đã tốt nghiệp trung học phổ thông, đã học xong chương trình trung học phổ thông, nhưng chưa tốt nghiệp), thí sinh tốt nghiệp trung cấp và thí sinh giáo dục thường xuyên phải được bố trí dự thi chung với học sinh lớp 12. Việc điều chỉnh này sẽ tăng cường sự giám sát giữa các đối tượng thí sinh, bảo đảm việc chấp hành Quy chế thi đồng đều giữa các điểm thi...
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho rằng, việc điều chỉnh một số điều của Quy chế thi là cần thiết, đòi hỏi các giáo viên, học sinh xác định rõ tinh thần nghiêm túc, thực chất trong dạy - học và kiểm tra, đánh giá ngay từ thời điểm này. Còn bà Lê Việt Hà, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) bày tỏ: “Chúng tôi ủng hộ việc siết chặt kỷ luật kỳ thi để hướng tới sự nghiêm túc, công bằng giữa các thí sinh”.
Chung sức vượt khó
Tăng cường hỗ trợ học sinh lớp 12, trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng và giáo dục ý thức tự giác tuân thủ Quy chế thi để nâng cao chất lượng giáo dục là quyết tâm của các trường học trên địa bàn Hà Nội.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) Dương Hai Bảy Mươi cho biết, nhà trường bố trí khung giờ tốt nhất cho việc học tập trực tuyến của học sinh lớp 12; đồng thời, hướng dẫn học sinh tự học trên hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy (http://study.hanoi.edu.vn) và một số phần mềm khác… trong thời gian các em tạm dừng đến trường. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ba Vì (huyện Ba Vì) Nguyễn Đình Thắng thì cho hay, nhà trường bảo đảm 100% học sinh lớp 12 đều có thiết bị học trực tuyến, tăng cường thời lượng học và tổ chức bổ trợ cho những học sinh hạn chế về năng lực tự học.
Còn em Trần Thị Hà, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “So với đợt học trực tuyến trước, lần này các thầy, cô giáo đã lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến có tính tương tác nhiều hơn và tăng cường giao bài tập, kiểm tra, hỗ trợ chúng em hằng ngày”.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại khẳng định, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục Hà Nội quyết tâm nâng tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cao hơn so với năm học 2019-2020, không để những khó khăn do việc học ở trường bị gián đoạn ảnh hưởng đến nền nếp, chất lượng dạy - học. Bên cạnh việc cập nhật các thông tin mới về kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường có phương án tổ chức dạy học ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19.
“Để hạn chế tối đa những khó khăn của việc dạy học trực tuyến, các nhà trường cần chú ý đến điều kiện học tập của từng học sinh; có biện pháp riêng với những học sinh có học lực yếu, kém; tăng cường phối hợp với gia đình để quản lý, hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập; đồng thời kết hợp các hình thức đánh giá để nắm bắt mức độ đạt được về kiến thức, kỹ năng và ý thức học tập, rèn luyện, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời để các em thi tốt”, ông Phạm Văn Đại nhấn mạnh.