Gần 2,5 triệu người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 06:34, 24/02/2021

(HNMO) – Đến 6h ngày 24-2, thế giới ghi nhận 112.612.504 ca mắc Covid-19, trong đó 2.494.401 người đã tử vong, 88.184.086 người bình phục.

Các bác sĩ trao đổi tại khu vực tiêm phòng vắc xin quy mô lớn ở nhà hát Helix (Dublin, Ireland).

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã gửi loạt 100.000 xylanh đầu tiên cho Maldives và một số nước khác để chuẩn bị cho đợt giao vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên của hãng Pfizer và AstraZeneca trong khuôn khổ Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu.

UNICEF cho biết, vài tuần sau đợt giao xylanh này, cơ quan này sẽ giao khoảng 14,5 triệu xylanh có dung tích 0,5 ml và 0,3 ml cho hơn 30 nước khác trên thế giới. Xylanh có dung tích 0,5 ml sẽ được dùng để tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất trong khi xylanh có dung tích 0,3 ml được dùng để tiêm vắc xin của hãng Pfizer và BioNTech hợp tác sản xuất.

Cùng ngày, WHO và các đối tác đã nhất trí khởi động chương trình bồi thường cho các trường hợp gặp phản ứng phụ nghiêm trọng do tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tại 92 nước nghèo trên thế giới, bao gồm các nước nghèo tại châu Phi và Đông Nam Á. Chương trình là cơ chế đầu tiên và duy nhất trên quy mô toàn cầu bồi thường các trường hợp chịu ảnh hưởng của vắc xin. Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30-6-2022, trong đó bồi thường một cách nhanh chóng, công bằng và minh bạch cho những cá nhân gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, tránh các vụ kiện pháp lý mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc. Hồ sơ yêu cầu bồi thường được tiếp nhận qua cổng điện tử www.covaxclaims.com từ ngày 31-3.

Trong một diễn biến khác liên quan tới vắc xin, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo sẽ ngừng tài trợ vắc xin cho Lebanon sau khi xuất hiện thông tin rằng một số nghị sĩ nước này sẽ được tiêm tại nghị viện. Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh người dân và các bác sĩ ngày càng thất vọng vì tiến độ tiêm phòng diễn ra chậm chạp và có thể có những vi phạm quyền ưu tiên tiêm phòng.

Châu Âu

Châu Âu hiện có 33.380.295 ca mắc và 797.964 trường hợp tử vong. Trong khu vực này, Nga có số ca nhiễm cao nhất (4.189.153 ca). Anh ghi nhận số ca nhiễm tương đương Nga (4.134.639 ca) nhưng tỉ lệ tử vong cao hơn.

Tây Ban Nha sẽ gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Anh, Brazil và Nam Phi tới ngày 16-3 nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể SARS-CoV-2 mới.

Tại Hy Lạp, hàng loạt bác sĩ đã đình công và tham gia biểu tình tại thủ đô Athens nhằm phản đối điều kiện làm việc “ngộp thở” tại các bệnh viện trong bối cảnh dịch bệnh leo thang.

Tại Pháp, số bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên 3.407 người, lần đầu tiên kể từ ngày 3-12-2020. Trong khi đó, số ca nhiễm mới theo ngày trung bình trong một tuần lại tăng lên mức cao nhất trong 17 ngày qua. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo dịch bệnh có xu hướng diễn biến tồi tệ hơn trong những ngày gần đây. 

Là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân trong 14 ngày qua, Cộng hòa Séc đối mặt việc các khu chăm sóc đặc biệt của nước này sắp trở nên quá tải trong khi số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh và thiếu đội ngũ nhân viên y tế có năng lực ngay ở tuyến đầu. Điều này khiến việc duy trì các tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe và dịch vụ điều trị các bệnh ngoài Covid-19 trở nên khó khăn.

Trong khi đó, Ireland, Hà Lan, Scotland đang chuẩn bị cho việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, với lộ trình khác nhau.

Châu Á

Châu Á hiện có 24.637.597 ca nhiễm, trong đó Ấn Độ đứng đầu với hơn 11.029.326 ca nhiễm.

Trung Quốc cho biết, nước này đang xuất khẩu vắc xin ngừa Covid-19 sang 27 quốc gia và viện trợ vắc xin miễn phí cho 53 nước. Theo Bộ Ngoại giao nước này, vắc xin của Trung Quốc đã tới Pakistan, Campuchia, Lào, Guinea Xích đạo, Zimbabwe, Mông Cổ và Belarus dưới hình thức viện trợ miễn phí và đã được xuất khẩu sang Serbia, Hungary, Peru, Chile, Mexico, Colombia, Morocco, Senegal, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ.

Campuchia phong tỏa 47 địa điểm liên quan đến “sự kiện cộng đồng ngày 20-2” tại thủ đô Phnom Penh, đồng thời yêu cầu tất cả bảo tàng, rạp chiếu phim và nhà hát tại Phnom Penh và Kandal phải đóng cửa trong 2 tuần để ngăn chặn dịch. Campuchia cũng quyết định áp dụng các biện pháp mạnh tay với người nước ngoài vi phạm quy định phòng, chống dịch, với hình thức phạt cao nhất là trục xuất và cấm trở lại Campuchia nếu trốn cách ly, xét nghiệm hoặc không phối hợp với nhà chức trách trong việc truy vết để ngăn chặn dịch bệnh.

Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun tuyên bố những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về giãn cách xã hội sẽ không được nhận hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền mặt trong thời gian tới. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc liên tục ghi nhận báo cáo vi phạm các quy định về giãn cách xã hội của các cửa hàng, nhà hàng và doanh nghiệp trên toàn quốc.

Philippines sẽ cho phép hàng nghìn nhân viên y tế, chủ yếu là các y tá, sang Anh và Đức làm việc nếu hai nước châu Âu nhất trí quyên góp vắc xin ngừa Covid-19 cho Philippines – một trong những nước có số ca mắc cao nhất tại châu Á. Đảo quốc Đông Nam Á này cũng đã nới lỏng lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhân viên y tế, nhưng vẫn hạn chế số chuyên gia y tế rời nước này ở mức 5.000 người/năm.

Châu Mỹ

Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận số ca nhiễm gần tương đương châu Âu (33.051.293 ca). Trong đó, Mỹ có 28.827.404 ca mắc và 512.595 ca tử vong.

Liên quan đến các phản ứng phụ sau khi tiêm phòng vắc xin Covid-19, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến nghị mọi người có thể uống thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, aspirin, antihistamines hay acetaminophen sau khi tiêm để giảm bớt khó chịu, nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. CDC cũng lưu ý không dùng thuốc giảm đau trước khi tiêm vì như vậy sẽ làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch.

Khu vực Nam Mỹ ghi nhận 17.481.247 ca nhiễm và 455.439 ca tử vong. Các nước Mexico, Colombia và Argentina đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm. Peru có hơn 1,2 triệu ca trong khi Chile có hơn 800.000 ca nhiễm.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Hoàng Linh