Khắc phục bất cập trong sản xuất rau xanh
Nông nghiệp - Ngày đăng : 17:47, 24/02/2021
Cần lấy mặt bằng sản xuất vụ rau mới
Ghi nhận tại xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội), nhiều diện tích cải bẹ, cải ngồng, hành ăn lá… đã quá lứa nhưng chưa thể đưa ra thị trường tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Hà, xã Mỹ Hưng chia sẻ, gia đình nhổ rau mang cho người thân để lấy mặt bằng gieo cấy lúa vụ xuân cho kịp tiến độ.
Trong khi đó tại vùng chuyên canh rau hơn 50ha tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), Giám đốc Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết, hiện giá rau giao bán tại ruộng vẫn giảm sâu. Cụ thể, giá bắp cải chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg, su hào 500-700 đồng/củ; súp lơ 2.000-3.000 đồng/chiếc… sức tiêu thụ rất chậm. Hợp tác xã xác định, một số diện tích rau ăn lá giá trị thấp sẽ bỏ không thu hoạch, cho cày xới để làm phân xanh, cải tạo đất và bắt tay vào chuẩn bị xuống giống rau vụ xuân hè.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, việc củ cải ế thừa thời gian gần đây tại địa phương chỉ là hiện tượng. Thực tế cả năm, bà con nơi đây canh tác 5-6 vụ rau và hầu hết các vụ đều cho thu hoạch tốt, tiêu thụ khá dễ dàng. Hiện tại, củ cải của Mê Linh đang được nhiều cơ quan đơn vị hỗ trợ thu mua, nhưng giá bán không đủ bù công… Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Bàng, một hộ trồng củ cải tại xã Tráng Việt, bà con rất cần thu hoạch nhanh gọn lứa củ cải và một số rau màu khác để lấy mặt bằng sản xuất những vụ tiếp theo, nếu không thời gian tới khi giá rau ổn định trở lại, nông dân lại không có để bán.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác là không phải vùng rau nào nông dân cũng phải bán với giá rẻ, khó bán hoặc bỏ phí ngoài đồng. Tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, việc tiêu thụ rau cần vẫn khá ổn định. Anh Nguyễn Đình Lư, hộ nông dân trồng rau xã Khai Thái cho biết: "Chúng tôi vẫn bán được 5.000-7.000 đồng/kg rau cần. Nguyên nhân là ít nơi trồng rau cần trong khi su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua thì nhiều nơi trồng".
Đa dạng cơ cấu giống và tăng cường liên kết
Trước tình hình giá rau xanh của các địa phương giảm giá mạnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra để nắm tình hình sản xuất đầu năm của các địa phương. Kết quả bước đầu, ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, kiểm tra thực tế cho thấy, giá rau thời gian qua giảm mạnh, phần lớn do diện tích rau vụ đông xuân tại các địa phương đạt năng suất cao, nông dân tập trung thu hoạch ồ ạt để giải phóng đất chuyển sang cây trồng vụ xuân đặc biệt là lúa cho kịp khung thời vụ. Tuy nhiên, chủ yếu rau màu của Hà Nội sản xuất tại các vùng rau chuyên canh và không phải vùng nào giá rau, củ, quả cũng rẻ, phải “giải cứu”. Nhiều nơi vẫn tiêu thụ ổn định, điển hình như rau cần ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên.
“Thời điểm hiện tại, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo sản xuất đối với hơn 5.000ha rau an toàn. Sau khi thu hoạch hết lứa rau trong tháng 1 và tháng 2, nông dân đều đã thực hiện gối vụ và tổ chức sản xuất vụ rau mới. Nếu không tổ chức sản xuất nhịp nhàng, thời gian tới đây dễ rơi vào vòng luẩn quẩn, lúc rau rẻ phải bỏ đi, lúc lại không có rau để bán...”, ông Lê Xuân Trường thông tin thêm.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, dịp trước và sau Tết Nguyên đán, rau thu hoạch chủ yếu là cải bắp, su hào, rau ăn lá, thì vụ tới (cho thu hoạch từ tháng 3 trở ra) nhiều loại rau, củ mới đã được xuống giống như rau ăn lá, bầu, bí, mướp, cà, ngô bao tử…
Về các vấn đề liên quan đến giá cả và năng lực tiêu thụ rau trên thị trường, những ngày vừa qua, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, giá rau, củ, quả giảm sâu như hiện nay chỉ mang tính tạm thời, nhưng qua đó cho thấy có nhiều yếu kém trong khâu tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất. Ngoài những yếu tố bị động như dịch Covid-19 khiến giao thương khó khăn, nông sản dồn ứ thì cơ cấu giống, việc đa dạng các chủng loại trong sản xuất rau, củ đáp ứng thị trường cũng cần đặt ra. Mặt khác, Hà Nội và các tỉnh cần đẩy mạnh liên kết theo chuỗi, sản xuất theo đơn đặt hàng và nhu cầu thực tế. Có như thế mới tránh được mùa mất giá, hoặc có những thời điểm rau xanh khan hiếm, bị đẩy giá lên cao.