Ăn gỏi: Thói quen nguy hiểm!
Xã hội - Ngày đăng : 11:36, 25/02/2021
Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc
Trong các bữa liên hoan hoặc trên bàn nhậu, những món ăn như bò tái, dê tái chanh, gỏi cá, tôm tái cuốn lá cải, tiết canh, nem chua... được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, ở các món sống, tái thì trứng giun sán vẫn sống, theo đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.
Gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận một bệnh nhân bị nhiễm độc sau khi ăn gỏi cá rô phi. Bệnh nhân là ông N.V.T (54 tuổi, Hải Phòng). Một ngày sau bữa nhậu gỏi cá rô phi, ông T phát sốt, chân tê và không thể cử động được. Khi được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng, ông được chẩn đoán nhiễm độc do “vibrio parahaemolyticus”, còn gọi là “tả biển”.
Phân tích về thói quen ăn gỏi, Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng, khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, cho hay: Thói quen ăn gỏi cá khiến khoảng 1 triệu người Việt Nam nhiễm sán lá gan nhỏ. Hiện tượng nhiễm sán lá gan lớn cũng được ghi nhận tại 50 tỉnh, thành phố. Tương tự, món nem chạo, nem thính (chế biến từ thịt lợn chưa được làm chín) đã khiến nhiều người bị mắc sán dây và bệnh ấu trùng sán lợn. Hiện có 60 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết: Thời gian qua, nhiều ca bệnh vào viện trong tình trạng suy đa tạng, viêm màng não mủ, việc điều trị hồi sức khó khăn. “Hầu hết các ca liên cầu lợn đều nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc suy đa tạng, gây viêm màng não nặng. Trong đó, có 50 - 60% trường hợp phát hiện thấy căn nguyên là viêm màng não do liên cầu lợn. Nhiều người nghĩ lợn sạch không có nguy cơ lây bệnh. Đó là suy nghĩ sai lầm, bởi dù lợn sạch, khỏe mạnh thì vi khuẩn vẫn có thể khu trú ở trong hầu họng. Vi khuẩn này không gây bệnh cho lợn nhưng nếu ăn tiết canh, người dùng có thể bị bệnh” - bác sĩ Khiêm cho hay.
Thay đổi thói quen
Theo các chuyên gia y tế, khi sử dụng thực phẩm chưa được nấu chín, người dùng có thể bị nhiễm giun sán với các biểu hiện đau bụng từng cơn, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, thiếu máu, người xanh xao, ngứa, mề đay, suy nhược cơ thể. Đặc biệt, một số người còn có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc, sốt nhẹ, sốt tăng dần, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi... Thậm chí, có người còn bị viêm màng não mủ, tụt huyết áp.
Ngoài nguy cơ nhiễm giun sán, các món ăn tái/ sống nếu được chế biến từ thực phẩm không an toàn, có chứa vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, E.Coli thì có thể gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa. Triệu chứng lâm sàng khi nhiễm E.Coli bao gồm đau bụng và tiêu chảy cấp, phân lẫn máu, có thể kèm sốt hoặc nôn. Một số trường hợp nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp, tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi).
Cách đây không lâu, Bệnh viện E tiếp nhận một nam thanh niên 29 tuổi, ở Xuân Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhiễm trùng huyết do liên cầu lợn với triệu chứng rất nặng như rối loạn ý thức, hôn mê, kích thích vật vã, xuất hiện hội chứng nhiễm trùng không có dấu hiệu liệt thần kinh khu trú. Theo các chuyên gia, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không. Do đó, nếu thấy người bệnh có biểu hiện sốt cao (40 - 41oC), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, khó thở, gia đình nên lập tức đưa đến bệnh viện, tránh nguy cơ tử vong.
Để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm ấu trùng giun sán, bác sĩ Vũ Mạnh Cường, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E, khuyên mỗi người dân nên thực hiện nghiêm việc ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch và dụng cụ làm bếp sau khi chế biến. Cần hiểu rõ rằng, tất cả các món ăn từ thực phẩm sống/ tái đều là nguồn lây nhiễm ký sinh trùng, vi trùng nguy hiểm.