Khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng đối với tiến trình cách mạng Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 21:12, 25/02/2021

Kỷ niệm 70 năm Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (1951-2021), chiều 25-2, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn".

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và Báo cáo đề dẫn hội thảo tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chủ trì hội thảo. 

Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, cách đây 70 năm, tại căn cứ địa Việt Bắc (Chiêm Hóa - Tuyên Quang), Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã tổ chức Ðại hội đại biểu lần thứ II - một sự kiện chính trị to lớn, là dấu ấn đặc biệt nổi bật trong pho sử vàng của Đảng ta, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam với những quyết sách hệ trọng, sáng suốt: Đảng từ bí mật đã chuyển ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội có nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, hoàn thiện lý luận về đường lối cách mạng Việt Nam, đã xác định: Đó là đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

Với chủ trương đúng đắn và sáng tạo, Đại hội đã phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng giành độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội, quyết tâm thực hiện Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, xây dựng tổ chức Đảng Lao động Việt Nam vững mạnh, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đại hội đã thông qua Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, xác định những vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam; nêu rõ hai nhiệm vụ chính trong những nhiệm vụ mới của Đảng là: Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Chính cương đã đề ra những chính sách và biện pháp hệ trọng, cấp thiết như: Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang về mọi mặt; củng cố và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất, phát huy tinh thần yêu nước và đẩy mạnh thi đua ái quốc; triệt để giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của thực dân và việt gian chia cho dân cày nghèo...

"Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, chúng ta càng thấu hiểu và nhận thức rõ, đây là những bài học vô cùng quý báu về sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, càng có tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc hơn đối với việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới hiện nay, nhất là việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, đồng bộ, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng những yêu cầu mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. 

 Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) La Văn Thắng cho biết, Tuyên Quang là vùng đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là thủ đô Khu giải phóng, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng ở, làm việc, quyết định và lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, do có cơ sở cách mạng vững chắc, vị trí chiến lược quan trọng, giao thông liên lạc thuận tiện, bảo đảm an toàn bí mật, Tuyên Quang một lần nữa được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các ban, bộ, ngành chọn làm căn cứ kháng chiến - An toàn khu để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang đã trở thành Thủ đô kháng chiến. 

Với vị thế đó, tại Tuyên Quang đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Một trong nhiều sự kiện quan trọng đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, diễn ra tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Cuối năm 1950, để chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đại hội, 300 cán bộ Trường Nguyễn Ái Quốc, bộ đội và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã cùng chung sức xây dựng khu nhà Đại hội ở khu vực đồi Nà Loáng, trung tâm của thôn Phú An (nay là thôn Bó Củng). Thôn Phú An được bao bọc bởi các dãy núi cao, bảo đảm cho khu vực Đại hội an toàn, bí mật; giữa thôn có dòng suối Cổ Linh chảy qua, rất thuận tiện trong sinh hoạt. Chỉ trong vòng 4 tháng, trên 30 ngôi nhà bằng gỗ, tre, nứa, lá cọ đã được xây dựng trên khu vực đồi Nà Loáng với kiến trúc giản tiện, trang nhã và đều được xây dựng dưới tán cây to, thực hiện đúng lời căn dặn của Bác Hồ: "Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì".

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, Đại hội II in đậm dấu ấn rất đặc biệt trong pho sử vàng của Đảng ta, là đại hội của tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, của lòng quả cảm sắt son: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với một khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do cho dân tộc: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. 

Đại hội II là bài học sâu sắc về quan điểm kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; kiên định giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; nắm chắc quan điểm bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, mở rộng hợp tác quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế và những chuyển biến của cách mạng Việt Nam những năm 1950 của thế kỷ XX; làm rõ những quyết định đúng đắn tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội; khẳng định tầm vóc, giá trị lý luận và thực tiễn của Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng đối với tiến trình cách mạng Việt Nam.

Theo Đỗ Bình (TTXVN)