Sống là không dừng lại

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:19, 26/02/2021

(HNMCT) - Cũng như “năm Covid thứ nhất” - 2020, Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất trong những ngày đầu năm 2021, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Chưa qua kỳ nghỉ lễ đặc biệt, nhiều di tích, điểm đến du lịch đầu xuân nổi tiếng tại Hà Nội buộc phải đóng cửa. Các lễ hội lớn trong dịp đầu xuân không còn là lựa chọn của nhiều du khách. Phía lữ hành khốn đốn vì phải hủy tour. Nhà hàng, khách sạn vắng vẻ...

Nhìn ra cả nước, tình hình là không khả quan khi lượng khách du lịch giảm mạnh trong dịp này. Khánh Hòa chỉ đón hơn 65.000 lượt khách dù có Nha Trang là điểm đến khó có thể bỏ qua, trong đó có chưa đến một nửa là khách lưu trú. Ninh Thuận có vịnh Vĩnh Hy, bãi biển Ninh Chữ..., cũng chỉ đón được gần 30.000 lượt khách. Thành phố Đà Lạt “mất” hơn 80% số khách so với dịp Tết Nguyên đán 2020. Thắng cảnh biển Cát Bà (Hải Phòng) tạm dừng đón khách từ ngày 18-2. Lượng khách tới Hà Giang giảm khoảng 70% so với dịp Tết Nguyên đán 2020…

Mức sụt giảm tệ hại nói trên có nguyên do từ dịch Covid-19, là điều nằm trong dự đoán của các chuyên gia du lịch và nhà quản lý ngành bởi cả nước từ trước Tết Tân Sửu đến nay vẫn đang trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, không lơi lỏng nhiệm vụ phát triển kinh tế nhưng cũng không lơ là trước yêu cầu nghiêm túc phòng, chống dịch Covid-19. Nói một cách khác, chúng ta đón nhận khó khăn trong tâm thế không bị động, lường trước được khó khăn, mất mát và phần nào đó tìm được giải pháp trong ngắn hạn nhằm cố gắng hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất có thể ngay cả khi yêu cầu phòng, chống dịch được đẩy lên mức cao. 

Sống là không dừng lại. Sự lắng lại không đồng nghĩa với buông tay hay cam chịu, mà cần được nhìn nhận như cơ hội một lần nữa nhận chân xu hướng du lịch mới, thấm thía yêu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, rõ khái niệm “du lịch an toàn” cũng như chuẩn bị tốt về nhiều mặt để sẵn sàng trở lại một cách hiệu quả khi đại dịch một lần nữa được khống chế. Du lịch nội địa vẫn là đòn bẩy phát triển hàng đầu trong năm nay, nhưng xu hướng du lịch mới trong bối cảnh nhu cầu cắt giảm chi tiêu của đa số khách hàng trở thành hiện thực đòi hỏi sự sáng tạo trong cách thức vận hành của toàn ngành Du lịch theo phương châm“Liên kết, hành động và phát triển” với yêu cầu luôn lấy sự hài lòng của khách hàng là trung tâm.

Xu hướng ấy là du lịch nhóm nhỏ, du lịch ngắn ngày, du lịch gần với đích đến là những nơi nổi tiếng hay vẫn nhờ ưu thế của ngành Hàng không để tới những nơi xa có nét riêng, lạ trong nhiều ngày? Là đón đầu nhu cầu du lịch khám phá hay nghỉ dưỡng là hợp lý? Phương án kích cầu với những combo giá rẻ gồm vé máy bay và phòng nghỉ được bán trước ngày khởi hành vài tháng cần “gia giảm” những gì để tránh rắc rối và không làm giảm nhiệt tình của khách hàng sau bao lần phải hủy tour, hoãn chuyến?...

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng là cần thiết để đón đầu cơ hội một cách hiệu quả bởi dòng chảy du lịch đang chậm lại nhưng chắc chắn sẽ không dừng lại. Một ngày nào đó, nhu cầu du lịch được dồn nén đến cực đại trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 sẽ bung ra. Tổ chức Du lịch thế giới từng đưa ra dự báo rằng ngành Du lịch thế giới mất khoảng 3 - 4 năm để phục hồi. Trong bức tranh chung đó, chúng ta nhận diện tình hình và hy vọng có một quãng thời gian chậm lại ngắn hơn, đà phục hồi thực sự được khởi động sớm hơn nhờ Chính phủ và các địa phương có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, nhờ tiềm năng và tài nguyên du lịch quốc gia có sự dồi dào hơn nhiều nơi khác trên thế giới, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển du lịch được triển khai khá tốt trong năm 2020...

Năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục được bình chọn là điểm đến hàng đầu về du lịch di sản, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực. Đầu năm 2021, theo bình chọn của trang web nổi tiếng thế giới TripAdvisor dựa trên ý kiến của khách du lịch, Hà Nội nằm trong danh sách 25 điểm đến hàng đầu thế giới - xếp ở vị trí thứ 6. Đó là một trong nhiều cơ sở để tin tưởng vào tương lai. 

Hoàng Lê