Mỗi nghệ sĩ, nghệ nhân là một người “truyền lửa”
Văn hóa - Ngày đăng : 18:10, 26/02/2021
Nhà nghiên cứu Yên Giang - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội:
Tạo cơ hội, môi trường để nuôi dưỡng
Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước nên nghệ thuật diễn xướng dân gian cũng thể hiện sự phong phú, đa dạng, từ chèo, tuồng, múa cổ, múa rối nước, hát trống quân, hát chèo tàu, ca trù, hát dô... Mỗi loại hình cho thấy sự tinh tế, sâu sắc về nội dung, đa dạng về hình thức, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của ông cha ta ngày xưa. Quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế đã khiến cho nghệ thuật diễn xướng dân gian đứng trước nhiều thách thức. Điều này là tất yếu bởi xã hội phát triển, phương thức truyền bá nghệ thuật cũng thay đổi. Trước đây ti vi, điện thoại, internet chưa phổ biến, người ta kéo nhau đi xem chèo, nghe hát. Giờ thì chỉ cần ở nhà cũng có thể xem, nghe đủ mọi loại hình nghệ thuật. Thị hiếu nghệ thuật cũng đã thay đổi, nhất là với lớp trẻ. Nhiều bạn trẻ bây giờ không mặn mà với nghệ thuật diễn xướng cổ truyền mà thích rock, rap hơn.
Trước đây, chúng tôi từng triển khai dự án nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật diễn xướng dân gian ở khu vực Hà Tây, đi sâu nghiên cứu về hát ca trù, trống quân. Lúc ấy các nghệ nhân vẫn còn khá nhiều, nhưng giờ thì gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều loại hình diễn xướng dân gian đang đối mặt với thực tế là thiếu vắng khán giả. Đó là sự cảnh báo rất đáng lưu tâm. Thiết nghĩ, để nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Thủ đô phát huy giá trị trong đời sống đương đại, tránh nguy cơ mai một, Thành phố Hà Nội cần tạo cơ hội, môi trường diễn xướng và kinh phí hoạt động. Có như thế mới có “đất” để nuôi dưỡng, phát huy giá trị các loại hình diễn xướng dân gian.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam:
Phải có sự vào cuộc dài hơi
Vài năm qua, trong khuôn khổ các sự kiện văn hóa tổ chức quanh hồ Hoàn Kiếm hay tại các di tích trong khu phố cổ Hà Nội, công chúng được xem một số điệu múa chạy cờ, múa bồng, múa rắn lột, hát chèo tàu, trình diễn ca trù, hát xẩm... Để đưa được các điệu múa cổ đến với công chúng, gần 20 năm qua, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã bền bỉ với dự án Phục hồi múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội. Ở Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, đến nay đã có 8 câu lạc bộ văn nghệ dân gian được Hội bảo trợ và đã phát huy hiệu quả trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống.
Tuy nhiên, những động thái tích cực này chưa thể khỏa lấp nỗi lo lắng trước sự mai một của nghệ thuật diễn xướng dân gian trong đời sống đương đại. Nghệ nhân thưa vắng, sân khấu thiếu khán giả, đó là chưa kể vấn đề tìm nguồn kinh phí để bảo tồn, phát huy một số loại hình diễn xướng dân gian ở các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cũng bởi thế, để phát huy giá trị của diễn xướng dân gian ở Thủ đô, rất cần sự vào cuộc dài hơi của Nhà nước, ngành Văn hóa... Thành phố Hà Nội nên đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa, trong đó có kho báu nghệ thuật diễn xướng dân gian. Cũng nên lan tỏa kho báu này trong hệ thống trường học, bảo tàng, nhà văn hóa quận, huyện; có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nghệ nhân - những người đang trực tiếp lưu giữ, truyền dạy vốn di sản của cha ông; đặc biệt là cần đẩy mạnh xã hội hóa việc lưu giữ và phát huy vốn diễn xướng dân gian cổ truyền.
Năm 2019, Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, đó là niềm vinh dự nhưng cũng là một thách thức đối với Thủ đô. Sáng tạo ở đây không chỉ là sáng tạo văn hóa mới mà cần phải khai thác dựa trên giá trị văn hóa truyền thống. Các chương trình văn hóa nghệ thuật diễn ra ở không gian đi bộ, điểm di tích trong phố cổ, di tích Hoàng thành Thăng Long... đã minh chứng nghệ thuật diễn xướng dân gian vẫn có sức hấp dẫn đáng kể với công chúng khi được biểu diễn trong một không gian sáng tạo mới. Đây là một thử nghiệm rất cần được duy trì, để làm sao ngày càng có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đến được với công chúng.
Nghệ nhân Ưu tú Phương Hồng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam:
Cần những người “truyền lửa”
Hơn 30 năm trước, khi đang công tác tại Trung tâm văn hóa - thông tin huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), tôi đã bị ca trù “mê hoặc”. Xác định là cán bộ quản lý văn hóa thì không thể không hiểu biết về văn hóa, nhất là văn hóa của địa phương mình, nên khi đó tôi cùng mấy chị em ở trung tâm đã đến tận nhà nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc ở thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức để “tầm sư học đạo”. Sau đó chúng tôi còn đề xuất ngành Văn hóa Hà Tây cho phép trung tâm được mở các lớp học về nghệ thuật diễn xướng dân gian (ca trù, hát văn, hát chèo...), mời các nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Lưu Thị Liên và Nguyễn Thị Nhung, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Mùi, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Khuê, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Hòa... đứng lớp. Những lớp học này góp phần lan tỏa tình yêu di sản văn hóa đến với mọi người, nhất là những cán bộ văn hóa cơ sở. Nghệ thuật diễn xướng dân gian vùng Hà Tây khi ấy đã được hồi sinh qua rất nhiều chương trình biểu diễn nhờ nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ sĩ...
Nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống. Nếu họ hiểu và yêu di sản thì sẽ góp sức để tạo đất sống cho di sản. Tiếc là so với trước đây, những người thưởng thức được ca trù cũng không có nhiều, và những đào nương say nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay vì đây là loại hình nghệ thuật mang tính bác học kén người nghe và kén cả người học. Đó là một thách thức lớn không chỉ với ca trù mà với cả nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác. Cũng bởi thế, tôi nghĩ rằng để nghệ thuật diễn xướng dân gian phát huy giá trị trong đời sống đương đại thì mỗi nghệ sĩ, nghệ nhân phải là người truyền lửa, mỗi cán bộ văn hóa cơ sở cũng phải là người tiếp lửa....