Cần xử lý điểm tập kết, kinh doanh vật liệu trái phép

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:10, 27/02/2021

(HNM) - Ngày 4-8-2020, UBND huyện Đông Anh có Văn bản số 1818/UBND-TNMT về việc xử lý, giải tỏa triệt để hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép tại ven các tuyến sông đi qua địa bàn huyện. Tuy nhiên, cho đến nay, do thiếu biện pháp ngăn chặn, xử lý nên trên địa bàn các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Đông Hội vẫn còn một số đơn vị buôn bán cát, sỏi... trái quy định.

Đất nông nghiệp trên địa bàn xã Đông Hội (huyện Đông Anh) biến thành bãi chứa vật liệu xây dựng không phép.

Hiện trên địa bàn huyện Đông Anh có 25 đơn vị hoạt động bến bãi và kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó có 20 trường hợp chưa hoàn thiện giấy phép và hợp đồng thuê đất. Đơn cử, đó là trường hợp của Công ty cổ phần Thanh Hiền, Công ty TNHH Diệp Trang và hộ ông Hoàng Văn Khắc, Doanh nghiệp tư nhân Phương Chinh… đóng trên địa bàn các xã Đông Hội, Hải Bối, Vĩnh Ngọc.

Từ đầu năm 2020 đến nay, UBND huyện Đông Anh đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị trên. Thế nhưng, do thiếu sự quyết liệt và các biện pháp ngăn chặn, xử lý của chính quyền sở tại và cơ quan chức năng nên đến thời điểm này, các chủ doanh nghiệp, đơn vị kể trên vẫn cố tình tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng trái quy định, gây bức xúc trong dư luận.

Ngày 26-2-2021, khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại khu vực đất bãi sát chân cầu Đông Trù, xã Đông Hội cho thấy, ở đây hoạt động buôn bán cát, sỏi vẫn diễn ra tấp nập. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng của các công trình trong khu vực, chủ bãi kinh doanh còn huy động một lượng lớn thiết bị, phương tiện chuyên dụng để múc và vận chuyển vật liệu. Tương tự, tại khu đất bãi sông Hồng thuộc thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, trong khoảng 30 phút, có hàng chục lượt phương tiện ra vào tập kết, vận chuyển cát, sỏi.

Do ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu đất bãi, thời gian qua việc sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, mặt đê sông Hồng, đoạn đi qua địa bàn các xã có điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhiều chỗ bị cày nát, biến thành “ổ trâu, ổ voi”, mỗi khi trời có gió to hoặc phương tiện qua lại, bụi cát bốc mù mịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại cũng như cuộc sống người dân khu vực.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nguyên nhân chậm xử lý dứt điểm các điểm tập kết vật liệu xây dựng hoạt động trái phép trên địa bàn, ông Trần Thế Huy, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ngọc cho biết, thời gian qua việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng chưa chặt chẽ. Mới đây, UBND xã đã thanh lý hợp đồng thuê đất và có văn bản đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông huyện Đông Anh, Hạt quản lý đê tăng cường kiểm tra, phối hợp dựng barie để ngăn chặn các phương tiện trọng tải lớn ra vào bến bãi, nhưng vì lợi nhuận, các chủ bãi vẫn cố tình vi phạm.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trái quy định, ông Nghiêm Ngọc Thoan, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho biết, trong năm 2020, UBND huyện Đông Anh đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 tổ chức, cá nhân với số tiền là 470 triệu đồng. Đồng thời, có văn bản yêu cầu các chủ bãi phải khắc phục các tồn tại về bảo vệ môi trường, sớm hoàn trả mặt bằng khu đất có vi phạm. Nếu tới đây chính quyền các xã ven sông không có biện pháp yêu cầu những đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng ngừng hoạt động và di dời cát, đá, sỏi ra khỏi địa bàn, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất theo quy định.

Có thể thấy việc giải tỏa các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn các xã ven sông thuộc huyện Đông Anh kéo dài hơn 7 tháng chưa được giải quyết dứt điểm là do sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng chưa chặt chẽ. Để thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường, đề nghị lực lượng chức năng và UBND huyện Đông Anh sớm vào cuộc, có biện pháp xử lý nghiêm những đơn vị cố tình vi phạm.

Nguyên Hà