Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19
Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 27/02/2021
Châu Phi
Côte d'Ivoire đã nhận được lô vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên, với 504.000 liều của AstraZeneca được tài trợ theo chương trình phân phối vắc xin (COVAX) do LHQ chủ trì cho 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện, một số nước châu Phi đã khởi động chiến dịch tiêm chủng, gồm Nam Phi, Zimbabwe, Seychelles, Mauritius, Rwanda, Equatorial Guinea, Guinea, Algeria, Morocco, Ai Cập và Senegal. Để giúp đẩy nhanh việc tiêm chủng cho 1,3 tỷ dân châu Phi, Liên minh châu Phi (AU) cho biết đã bảo đảm 270 triệu liều vắc xin để phân phối cho các quốc gia thành viên trong năm nay.
Châu Á
Ngày 27-2, nhà chức trách Iran cho biết, nước này đang có 11 khu vực ở mức báo động đỏ - mức cao nhất trong thang xếp hạng nguy cơ dịch theo màu của Iran. Trong khi đó, 31 khu vực duy trì mức báo động cam và 406 khu vực khác ở mức màu vàng hoặc xanh lam - mức nguy cơ thấp. Iran đã công bố lệnh cấm đi lại đối với 4 tỉnh và 7 thành phố do dịch Covid-19 lây lan.
Tại Nhật Bản, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đã cải thiện đáng kể nhờ áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ trước biện pháp này ở 6 trong số 10 tỉnh, thành, từ ngày 28-2. Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế vẫn tỏ ra thận trọng, khuyến nghị tiếp tục nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh.
Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần trong bối cảnh các ổ dịch Covid-19 vẫn xuất hiện rải rác trên cả nước. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhận định, các ổ dịch rải rác đang liên tục bùng phát, đồng thời lưu ý nguy cơ lây nhiễm ngày càng tăng khi các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại vào tuần tới. Ông kêu gọi người dân tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội của chính phủ, bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn lực y tế trong trường hợp đối mặt với làn sóng dịch mới.
Tại Đông Nam Á, theo Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 44 ca nhiễm mới, trong đó có 40 trường hợp liên quan tới “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2”. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngoài công dân Campuchia, còn có công dân Malaysia và Việt Nam ở độ tuổi từ 19 đến 39. Đến nay, Campuchia đã có tổng số 741 ca mắc Covid-19, trong đó có 477 trường hợp đã bình phục và không có ca tử vong.
Philippines, quốc gia có số ca bệnh cao thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, dự kiến nhận được lô vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên vào cuối tuần này và cho phép khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia từ tuần tới.
Châu Âu
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 được dự báo sẽ tăng mạnh trong 2 tuần tới, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, nước này có thể xem xét siết chặt các biện pháp hạn chế. Hiện, Chính phủ Hungary đã kéo dài lệnh phong tỏa một phần cho đến ngày 15-3 tới. Toàn bộ các trường trung học, khách sạn đã đóng cửa, các nhà hàng chỉ phục vụ đồ ăn mang về.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã kêu gọi người dân thận trọng vì tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp và dự kiến việc nới lỏng hạn chế phòng dịch bị hoãn lại cho tới khi chính phủ họp bàn trong phiên tiếp theo vào tuần tới. Trong một tuần trở lại đây, số ca mắc mới ở Bỉ tăng 24% so với tuần trước đó, lên gần 2.300 ca nhiễm mới mỗi ngày. Số ca nhập viện cũng đang tăng trở lại, với hơn 200 ca trong 24 giờ qua. Đáng lưu ý là hơn một nửa (53%) trong số này mắc biến thể ở Anh, tăng 38% so với tuần trước đó, trong khi biến thể ở Nam Phi chiếm 2,2% và biến thể ở Brazil chỉ chiếm 0,9%. Tổng số người đang phải điều trị tích cực trong bệnh viện là 400 người, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 đến nay.
Pháp cũng đang xem xét đề xuất áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần nhằm hạn chế dịch Covid-19 lây lan. Giới chuyên gia y tế đánh giá, Pháp sẽ không thể tránh được việc áp đặt các biện pháp phong tỏa mới do số ca mắc Covid-19 đang tăng lên và tình hình bệnh viện tại Paris đang rất căng thẳng.
Tây Ban Nha đã sử dụng sân vận động Wanda 68.000 chỗ ở thủ đô Madrid để làm trung tâm tiêm chủng cho nhóm đối tượng là nhân viên cứu hỏa, cảnh sát và bảo vệ dân sự. Khoảng 1.000 người đã được mời tới trung tâm này tiêm chủng. Kể từ khi triển khai chương trình tiêm chủng vào cuối tháng 12-2020, đến nay, Tây Ban Nha đã tiêm chủng cho 1,2 triệu người dân. Chính phủ Tây Ban Nha đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số, sử dụng 47 triệu liều văc xin ngừa Covid-19 vào cuối mùa hè tới.
Châu Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ vui mừng khi chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tại nước này đã hoàn thành 50% mục tiêu chỉ trong khoảng 1/3 thời gian đã đề ra. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi người dân duy trì đeo khẩu trang, cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh lây lan. Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổng thống Mỹ cho biết, đến cuối tháng 7 tới, nước này sẽ có đủ vắc xin tiêm chủng cho toàn bộ người lớn tuổi.
Tại Canada, cơ quan quản lý dược phẩm đã cấp phép sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca. Đây là loại vắc xin thứ ba được phép sử dụng ở Canada, cho phép nước này đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19.
Theo các báo cáo, Chính phủ Canada đã đặt mua 20 triệu liều vắc xin của hãng AstraZeneca. Nước này cũng là quốc gia đã đặt mua số lượng vắc xin tính theo số dân nhiều nhất trên thế giới, nhưng, việc triển khai chương trình tiêm chủng khá chậm, một phần do tiến độ giao hàng chậm của các nhà sản xuất vắc xin.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.