Chuyện ''giải cứu'' nông sản ở Mê Linh và những thông tin ''nói lấy được''

Đời sống - Ngày đăng : 17:54, 28/02/2021

(HNMO) - Chỉ một vài tấm hình rau củ quả rơi rụng, bỏ đi ở một vài khu ruộng và thông tin thu thập trên phạm vi rất hẹp, một số trang mạng xã hội, một số bài báo đã “phán bừa” rằng “dân khóc ròng” hay nông sản ở huyện Mê Linh (Hà Nội) đang cần “giải cứu”. Những thông tin “nói lấy được”, thậm chí cố tình đưa theo kiểu “câu view” như vậy mới chỉ “nhìn cây mà không thấy rừng”, thậm chí gây tác dụng ngược khiến giá nông sản bị ảnh hưởng.

Trong những ngày qua, hình ảnh một số hộ nông dân ở các xã Tráng Việt, Liên Mạc, huyện Mê Linh… bỏ rau, củ quả thối trên đồng ruộng được đăng tải trên mạng xã hội và một số cơ quan báo chí với thông tin đi kèm là “nông sản Hà Nội cũng cần giải cứu”. Vùng trồng rau chuyên canh quy mô lớn này của Hà Nội được phản ánh với thực trạng khá buồn rằng nhiều tấn củ cải, cà chua bị bỏ phí ngoài đồng ruộng, nông dân không thu hoạch do giá rẻ và không có người thu mua…

Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là hiện trạng của khoảng 700ha rau, củ các loại trên địa bàn huyện Mê Linh mà chỉ là hiện tượng nhỏ, mang tính cục bộ của một số thửa ruộng trồng củ cải, cà chua quá lứa người dân để lại. Trên thực tế, từ đầu năm 2021 đến nay, hơn 14.500 tấn nông sản của huyện Mê Linh vẫn đang được các thương lái, doanh nghiệp thu mua bình thường.

Trên 14.500 tấn nông sản Mê Linh vẫn được các thương lái, doanh nghiệp thu mua.

Nhiều hộ trồng củ cải tại xã Tráng Việt phân trần, cùng với việc khẩn trương thu hoạch lứa rau, củ quả cũ, họ cũng đang tất bật chăm sóc cho vụ mới. Hằng năm, vào vụ xuân, chính quyền xã đều khuyến cáo nông dân hạn chế xuống giống vụ củ cải ra Tết nhưng đây lại là vụ “nhàn” nhất, chỉ cần xuống giống, không cần chăm sóc nhiều rau, củ cũng phát triển tốt nên nhiều hộ có tâm lý “được thì ăn không thì thôi”. 

“Việc củ cải bị đổ bỏ thời gian gần đây tại địa phương chỉ là hiện tượng nhỏ. Thực tế bà con canh tác được tối đa 5-6 vụ mỗi năm và hầu hết các vụ đều cho thu hoạch tốt. Việc tiêu thụ khá dễ dàng nên bà con cũng đang khẩn trương thu hoạch củ cải đến lứa và chuẩn bị cho vụ sản xuất mới”, ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) huyện Mê Linh nêu thêm.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, do điều kiện thời tiết thuận lợi nên rau màu phát triển. Riêng củ cải, bình thường cho năng suất 1-1,5 tấn/ha, nhưng vụ này đạt 2,5-3 tấn/ha. Đây lại là vụ gối, người nông dân không muốn bỏ không đồng ruộng nên tranh thủ trồng thêm.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ rau thông qua các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ truyền thống đã giảm sút. Và riêng với củ cải, dù giá bán từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg như hiện nay thì người dân vẫn không mất công, vì sản lượng tăng gấp đôi. 

Đến thời điểm này, toàn huyện còn khoảng 600 tấn củ cải cần tiêu thụ, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Tráng Việt. Trước tình hình đó, huyện Mê Linh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân và không có chuyện thừa hay cần giải cứu...

 Thông tin không đúng về nông sản Mê Linh làm giảm giá thành một số loại rau củ.

“UBND huyện Mê Linh đề nghị các sở, ngành, doanh nghiệp phân phối vào cuộc đẩy nhanh tiêu thụ rau, củ cho bà con nông dân, chứ không phải "giải cứu" rau, củ thừa ế. Thậm chí, việc thông tin không đúng còn làm giảm giá thành nông sản của bà con”, ông Tuấn đề xuất.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, thực tế cho thấy giá rau thời gian qua có giảm mạnh. Nguyên nhân là do phần lớn diện tích rau vụ đông xuân tại các địa phương đạt năng suất cao, nông dân tập trung thu hoạch ồ ạt để giải phóng đất chuyển sang cây trồng vụ xuân, đặc biệt là cấy lúa cho kịp khung thời vụ và do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 khiến giao thương bị đứt gãy ở một số nơi. 

“Đối với hơn 5.000ha rau an toàn chuyên canh của Hà Nội, không phải vùng nào giá rau, củ quả cũng rẻ hoặc phải bỏ, nhiều nơi vẫn tiêu thụ ổn định điển hình như rau cần Khai Thái (huyện Phú Xuyên), rau gia vị tại Tân Minh (huyện Thường Tín)… Với tình hình sản xuất rau màu như hiện nay, Hà Nội mới chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu và số còn lại vẫn phải nhập của các địa phương khác”, ông Phương khẳng định.

Nông sản tại huyện Mê Linh đang được đẩy mạnh kết nối tiêu thụ.

Nhìn rộng ra trong cả năm 2020 vừa qua, sản xuất rau của Hà Nội vẫn là một lĩnh vực cho thu nhập cao. Hà Nội có hàng nghìn héc ta rau sản xuất cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 700 triệu đồng/ha/năm; thậm chí có nơi đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều vùng quê sung túc, đời sống khấm khá nhờ chuyên canh rau như Văn Phú, Tân Minh (huyện Thường Tín); Đặng Xá, Văn Đức (huyện Gia Lâm); Thanh Đa, Vân Phúc, Vân Nam (huyện Phúc Thọ)…

Như vậy, với cách đưa thông tin phản ánh một chiều, từ những vụ việc nhỏ lẻ kiểu “nhìn cây không nhìn rừng” của một số trang mạng xã hội, bài báo như thời gian qua đã làm méo mó “bức tranh” sản xuất rau của Hà Nội.

Thực tế, không có sự khác biệt nào giữa việc tiêu thụ nông sản của người dân Mê Linh với cách nhìn nhận, đánh giá của lãnh đạo địa phương cũng như các sở, ngành như một số thông tin “quy chụp”.

Hơn 5.000ha rau an toàn chuyên canh cũng như hàng nghìn héc ta rau, củ quả của huyện Mê Linh đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao, may mắn chưa cần đến sự “giải cứu” như những thông tin thất thiệt đã nêu.

Thanh Hân