Ngành bán lẻ kỳ vọng đột phá
Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 28/02/2021
Giữ đà tăng trưởng
Trong khi nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế chao đảo trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn đứng vững, thậm chí là tiếp tục tăng trưởng. Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong tổng mức 5.059,8 nghìn tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.996,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng mảng bán lẻ trực tuyến, tổng doanh thu tăng khoảng 16%. Tháng 1-2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 378,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức, tăng 4,1% so với tháng 12-2020 và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Về tình hình thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, sức mua tăng 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhiều chỉ số kinh tế, sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa là điểm sáng nổi bật.
Trên thực tế, các nhà bán lẻ trong nước đã nỗ lực không ngừng để duy trì tăng trưởng. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích VinMart/VinMart+ sau 3 quý đầu năm 2020 sụt giảm, biên lợi nhuận trước lãi vay và thuế đã được cải thiện vào quý IV-2020, với mức tăng lần lượt là 2,8% và 4,1%. Đặc biệt, doanh thu trên mỗi mét vuông diện tích của VinMart+ đã tăng trưởng 10,7%.
Thông tin về tình hình kinh doanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Sasamori Hiroaki cho biết, dù gặp nhiều khó khăn song doanh nghiệp khép lại năm 2020 với doanh thu đạt hơn 280 triệu USD, tăng nhẹ so với năm 2019. Còn Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức cho hay: “Ngay tuần đầu tiên của tháng 1-2021, sức mua hàng hóa trong toàn hệ thống đã tăng tới gần 40% so với tuần trước đó. Trong 8 tuần kinh doanh Tết Tân Sửu, Saigon Co.op đạt doanh số 1.000 tỷ đồng/tuần”.
Thích ứng để phát triển
Trong rất nhiều khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19, ngành bán lẻ đã nhanh chóng thích ứng và vượt lên. Cụ thể, cùng với việc tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng hệ thống phân phối, bảo đảm chất lượng hàng hóa với giá cả hợp lý, các doanh nghiệp bán lẻ đã đẩy mạnh chuyển đổi số.
Tập đoàn Masan (vận hành hệ thống VinMart và VinMart+) đã chuyển đổi chiến lược, từ điểm mua sắm thuần túy sang phát triển nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, để người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ mua sắm trực tuyến đến trực tiếp, coi đây là mục tiêu phát triển mảng bán lẻ của tập đoàn trong năm 2021. “Chúng tôi gọi đây là point of life - nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng, bao gồm: Hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính... Đây chính là đích đến khi Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ. Năm 2021 là năm bản lề để Masan hiện thực hóa tầm nhìn này”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh. Nhà bán lẻ này cũng tự tin đặt ra mục tiêu, năm 2021, doanh thu thuần dự kiến tăng 15-20% từ việc tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng hiện hữu, mở rộng hệ thống cửa hàng minimart và tái định vị mô hình siêu thị VinMart.
Trong khi đó, ông Sasamori Hiroaki cho biết, Công ty TNHH AEON Việt Nam sẽ phát triển các trung tâm mua sắm và các lĩnh vực kinh doanh mới, trong đó tập trung vào kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu tại khu vực phía Bắc và các chuỗi cửa hàng chuyên doanh trên toàn quốc; cùng với đó sẽ phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh số hóa các hoạt động vận hành, thanh toán không dùng tiền mặt… Tương tự, đại diện các sàn thương mại điện tử cũng đã có những động thái đổi mới để thích ứng và đón đầu những xu hướng phát triển trong tương lai.
Nhằm đẩy mạnh thị trường bán lẻ nội địa, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh các hình thức kinh doanh như kinh tế ban đêm, các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ..., đồng thời triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc phát triển thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới phù hợp với trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đề cao sự chuyển đổi nhanh chóng về phương thức kinh doanh của hệ thống bán lẻ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Với nền tảng và thế mạnh sẵn có, với những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, sự phổ biến của vắc xin ngừa Covid-19 đi liền với sự phục hồi của nền kinh tế, kỳ vọng ngành bán lẻ đột phá trong năm 2021 là hoàn toàn có cơ sở. Hơn thế, bán lẻ sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển”.