Lời cảnh báo mạnh mẽ sau sự việc bé gái rơi từ ban công chung cư
Đời sống - Ngày đăng : 16:58, 01/03/2021
Bảo đảm an toàn tại nhà cao tầng
Trưa 1-3, khảo sát tại một số tòa nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội, phóng viên nhận thấy, hầu hết chiều cao các ban công, lô gia, hành lang đều được xây dựng theo tiêu chuẩn cho phép. Nhiều tòa nhà cửa sổ ban công chưa có chắn song được các hộ đã lắp đặt thêm thiết bị lưới chắn, một số tòa nhà cũng lắp thêm hệ thống bảo vệ cửa sổ ở hành lang.
Cụ thể, tại chung cư PVV-Vinapharm, nơi vừa xảy ra vụ việc chiều 28-2, theo chị Nguyễn Thị Hằng cư dân ở tầng 19, mặc dù theo thiết kế, kích thước chiều cao, chiều rộng ban công, hành lang, hay cửa sổ đều đạt tiêu chuẩn cho phép nhưng tôi vẫn gọi thợ đến lắp đặt thiết bị lưới chắn để bảo đảm an toàn. Theo quan sát, nhà chị Hằng có 1 ban công đã được lắp lưới rất chắc chắn, an toàn, cửa ra vào ban công cũng được khóa cẩn thận. Phía ngoài hành lang của các gia đình, Ban quản lý tòa nhà đã lắp đặt cửa kính có chốt trong, khoảng hở vừa phải đủ bảo đảm an toàn nếu trẻ nghịch ngợm leo trèo.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chính Phượng, phụ trách Ban quản lý chung cư PVV-Vinapharm cho biết, chiều cao ban công của các căn hộ tại tòa nhà là 145cm. Ban quản lý tòa nhà vẫn khuyến khích các hộ dân lắp đặt thêm các lưới bảo vệ ở ban công, cửa sổ và sẵn sàng hỗ trợ, giúp cư dân các biện pháp cũng như quy cách lắp đặt theo tiêu chuẩn, vừa đáp ứng an toàn, thẩm mỹ, vừa bảo đảm thoát hiểm khi có sự cố về cháy nổ. Sau sự cố này, Ban quản lý tòa nhà sẽ tiếp tục vận động các gia đình lắp đặt lưới bảo vệ ở lan can, ban công, cửa sổ để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Tương tự, theo ông Trần Ngọc Quyến, cư dân sống tại tầng 3, tòa nhà M3, M4 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), tại các cuộc họp tổ dân phố hay họp chi bộ của tòa nhà, các cư dân đều được quán triệt tinh thần không được đặt chậu, cây cảnh ở khu vực hành lang chung, là vật dụng để trẻ nhỏ leo lên, gây mất an toàn. Chị Vũ Lan Hương, cư dân sống tại ngõ 379 Đội Cấn (quận Ba Đình) cũng gia cố thêm khung lưới ở khu vực lan can để bảo đảm không bị bay quần áo ra ngoài.
Chị Nguyễn Thị Minh, cư dân sống tại tầng 22 tòa nhà Hancorp Plaza, 72 Trần Đặng Ninh (quận Cầu Giấy) cũng cho biết, hầu hết các gia đình, đặc biệt là gia đình có con nhỏ đều ý thức sự nguy hiểm của việc trẻ con hiếu động, tìm tòi những khu vực mới để khám phá, leo trèo như ban công, hành lang... Vì vậy, đa số các gia đình đều sửa lại chấn song ở khu vực hành lang, gia cố thêm các khung lưới ở ban công để cảm thấy an toàn hơn.
Kiểm tra, có biện pháp bảo đảm an toàn ở các chung cư cao tầng
Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Huy Khanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết, để bảo đảm an toàn sinh mạng, sức khỏe đối với người sử dụng, tại QCXDVN 05:2008/BXD "Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe" nêu rõ, chống xô, ngã, lan can tại ban công, lô gia công trình cao tầng phải bảo đảm chiều cao tối thiểu là 1,4m; đủ khả năng ngăn người đi lại không bị ngã tại các sàn nền, có cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua (không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can) và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Về tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đối với nhà chung cư nói riêng, rào, lan can của ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa, bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4m.
"Nhìn chung, các kiến trúc sư đều tuyệt đối tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế. Việc sai sót trong thiết kế rất hãn hữu vì hồ sơ thiết kế trước khi được phê duyệt còn phải qua bước thẩm định của cơ quan chức năng - nơi những người thẩm tra rất thuộc các văn bản pháp luật xây dựng", ông Nguyễn Huy Khanh chia sẻ.
Tuy vậy, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tuấn, Công ty TNHH FIBI nhận định, ngoại trừ những trường hợp cố tình trèo qua lan can ban công, lô gia, cửa sổ, thì các tai nạn đáng tiếc như rơi, ngã từ trên cao xảy ra có một phần lỗi từ người sử dụng do kê bàn, ghế, sofa, giường sát cửa sổ hoặc đặt nhiều chậu hoa, bàn ghế hoặc các vật dụng bên cạnh cửa sổ, lan can, khiến chiều cao tiêu chuẩn không còn đủ an toàn, nhất là khi cửa sổ không có chắn song hoặc lưới bảo vệ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, sự giám sát của bố mẹ là rất quan trọng, không bao giờ để trẻ chơi ở ban công mà không giám sát, luôn khóa cửa ra ban công, lắp khóa ở vị trí trẻ không với tới. Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi đều chui lọt qua một cửa sổ rộng 30cm. Do đó, phụ huynh nên lắp thêm lưới chắn, hoặc nan hoa cửa sổ; không kê đồ đạc nào gần cửa sổ, ban công để trẻ không thể trèo lên...
Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Bùi Thanh Bình cho biết, chiều 1-3, UBND quận đã gửi văn bản đến UBND các phường, Ban quản lý các tòa nhà yêu cầu phải đôn đốc, nhắc nhở các gia đình có biện pháp lắp đặt thêm lưới an toàn ở khu vực lan can, ban công, cửa sổ, đồng thời nhắc nhở, trông coi trẻ nhỏ để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc; giao UBND các phường kiểm tra, rà soát toàn bộ tiêu chuẩn chiều cao và chiều rộng của các lan can ban công và cửa sổ ở hành lang. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng cũng cho biết, UBND quận đã có văn bản yêu cầu UBND các phường, chủ đầu tư và ban quản lý các tòa nhà phải chủ động kiểm tra và có biện pháp bảo đảm an toàn tại các tòa chung cư cao tầng.
Từ vụ việc cháu bé bị rơi từ tầng 12 xuống chiều 28-2 cho thấy, phần lớn các vụ tai nạn xảy ra là do cửa sổ không có chắn song, bảo hiểm; có nhiều vật dụng hỗ trợ trẻ leo trèo tại ban công như cây cảnh, bàn ghế… Cộng với việc kê xếp đồ đạc trong nhà thiếu tính toán, kê giường sát cửa sổ cũng là một điểm trừ cho sự an toàn. Điều này đòi hỏi các gia đình phải tự cân đối và kiểm soát cẩn thận ngay chính trong gia đình mình.