Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 11/12/2022

(HNM) - Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng có nhiều tiềm năng. Với những lợi thế sẵn có và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, hy vọng trong thời gian tới, các hoạt động của hệ sinh thái ngày càng được mở rộng, gắn kết với chương trình, chiến lược của quốc gia và quốc tế, thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tham quan các gian hàng tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng lần thứ 5 - SURF 2022.

Xuất hiện ở tất cả lĩnh vực

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là động lực quan trọng của nền kinh tế. Khởi nghiệp cũng là một chủ trương lớn được Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đã phát triển mạnh mẽ và đi vào tất cả lĩnh vực. Cả nước hiện có 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Khoảng 170 trường đại học/cao đẳng có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài. Khoảng 20 địa phương đã và đang xây dựng đề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 57/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; 39 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các hoạt động nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cũng đang diễn ra rất sôi nổi. Đặc biệt, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (TECHFEST) thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp tổ chức cùng các tổ chức chính trị - xã hội và các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Nhiều cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế tham gia các hoạt động trong hệ sinh thái, hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo non trẻ, tạo thêm nguồn lực quan trọng cho hệ sinh thái.

Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển ngày càng năng động và hiệu quả. Mạng lưới nghiên cứu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đã có hơn 400 thành viên, tiếp cận được hơn 1.000 nhà khoa học, chuyên gia và các đối tượng quan tâm về khởi nghiệp từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ trong nước và quốc tế. Mạng lưới liên kết truyền thông với hơn 60 đơn vị đồng hành đã kiến tạo nhiều kênh thông tin đưa tin kịp thời, phân tích chuyên sâu và quảng bá hình ảnh của hệ sinh thái Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, từng bước hình thành tinh thần, triết lý và văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, văn hóa dấn thân và văn hóa chấp nhận rủi ro.

Hệ thống cố vấn, huấn luyện viên, tư vấn viên cũng được chuyên nghiệp hóa, kết nối chặt chẽ với mạng lưới các cố vấn, huấn luyện viên quốc tế. Năng lực kết nối và khai thác nguồn lực quốc tế ngày càng được cải thiện. Sau thời kỳ đóng cửa do dịch Covid-19, ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, mở ra thời kỳ tái hội nhập hậu Covid-19, tạo động lực mới để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Trong năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

Cần thêm giải pháp

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng do xuất phát điểm chậm hơn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Để sớm thu hẹp khoảng cách này và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các bộ, ngành, địa phương… cần có giải pháp gắn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tri thức, khoa học và công nghệ và đặc thù riêng có của đất nước, con người Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt mong muốn, trong thời gian tới, cộng đồng khởi nghiệp cũng như các cơ quan quản lý, các tổ chức trong nước, quốc tế tiếp tục có nhiều sáng kiến hơn, nhiều hoạt động có hiệu quả hơn để thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương tiếp tục tăng cường hỗ trợ hệ sinh thái phát triển theo chiều sâu, đề xuất và triển khai các cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đầu tư mạo hiểm; thí điểm hình thành các không gian đổi mới sáng tạo cho sản phẩm, dịch vụ mới tương tác trực tiếp với người dùng cuối...

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục hình thành được các cụm đổi mới sáng tạo, hành lang đổi mới sáng tạo để liên kết các trung tâm khởi nghiệp, triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo tại các địa phương theo mô hình mở, khai thác nguồn lực có sẵn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ và nhân rộng hoạt động của các "làng công nghệ"; phát triển và khai thác các hợp tác quốc tế trong bối cảnh mới với việc đưa doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới và thu hút tri thức, trí tuệ, nguồn lực thế giới về với Việt Nam. Thu hút lực lượng doanh nghiệp trưởng thành dẫn dắt, tham gia đặt hàng, đầu tư, hỗ trợ cho các công ty mới khởi nghiệp...

“Xây dựng và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững, hiệu quả cao và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế không phải là một con đường ngắn. Nhưng với sức mạnh của trí tuệ Việt, với khát vọng mãnh liệt, với quyết tâm cao và nỗ lực lớn, chúng ta sẽ làm được và Việt Nam sẽ thực sự trở thành một miền đất đổi mới sáng tạo màu mỡ cho các hạt giống tốt được nảy mầm, lớn lên với quy mô khu vực và toàn cầu”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Thu Hằng