Các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu: Tận dụng lợi thế từ các FTA
Kinh tế - Ngày đăng : 06:13, 02/03/2021
Những con số “biết nói”
Tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2020, trong tháng 1-2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 28,5 tỷ USD, tăng tới 55% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong cùng kỳ nhiều năm. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hầu hết mặt hàng xuất khẩu đều có mức tăng trưởng, thể hiện sự đồng đều và sức bật của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, mặt hàng có giá trị cao là điện thoại di động (6,1 tỷ USD); máy vi tính và linh kiện điện tử (3,9 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (1,34 tỷ USD)... Đáng lưu ý, nhóm hàng nông, thủy sản cũng đạt kết quả tốt với sự duy trì phong độ xuất khẩu của mặt hàng gạo, tôm, cá tra... sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Đông.
Trong tháng 2-2021, kim ngạch xuất khẩu cũng đạt gần 20 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cán cân thương mại xuất siêu đạt 1,29 tỷ USD giá trị hàng hóa.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam đạt kết quả xuất khẩu tốt là nhờ tác động tích cực của các FTA và doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn những lợi thế về thuế suất. Dư địa cho xuất khẩu cũng mở rộng hơn so với trước.
Điển hình trong tháng 1-2021, tháng đầu tiên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh bắt đầu áp dụng tạm thời, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng 84,61%. Riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 252,59 triệu USD, tăng 371,6%; máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 74,58 triệu USD, tăng 109,9%... Hay với thị trường EU, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, không chỉ trong nhóm hàng truyền thống mà kể cả những nhóm hàng mới như đồ gỗ.
Thực tế, việc áp thuế suất thấp hoặc bằng 0% đối với hàng Việt Nam như thỏa thuận trong tổng số gần 20 FTA Việt Nam đàm phán, đã ký kết, thực thi, là động lực kích đẩy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Năm 2020, số lượng bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi đã tăng 9% so với năm trước. Giám đốc Công ty cổ phần Tuệ Ngọc (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Việt Hưng cho biết, doanh nghiệp đang tìm cách thâm nhập vào thị trường EU, Canada, Mỹ, sau khi các FTA có hiệu lực. “Thật sự, các FTA là thời cơ cho xuất khẩu dù doanh nghiệp đó ở quy mô nào”, ông Nguyễn Việt Hưng nói.
Tìm cách tận dụng tốt cơ hội
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong năm 2021, cánh cửa xuất khẩu sẽ tiếp tục rộng mở đối với hàng hóa Việt Nam, chủ yếu nhờ tác động tích cực và ngày càng rõ nét từ các FTA. Về mặt điều hành vĩ mô, Chính phủ, Bộ Công Thương đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, FTA là những “đường cao tốc” để hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam ra thế giới. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xúc tiến thương mại, tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan thương vụ, cung cấp thông tin thị trường, nội dung các quy định đối với hàng hóa vào từng thị trường cụ thể... Công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cũng sẽ được quan tâm thỏa đáng, để hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, muốn tận dụng cơ hội từ các FTA thì doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, nắm rõ “luật chơi” để di chuyển an toàn, nhanh trên “cao tốc”.
Cùng quan điểm, ông Lê Huy Khôi, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, tuy các FTA dành cho doanh nghiệp và hàng Việt nhiều ưu đãi, nhưng để tận dụng được, các doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực không ngừng.
“Nếu không tìm hiểu rõ, làm chủ tình huống và có cách làm bài bản thì rất khó tạo sự bứt phá trong xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp phải lưu ý, khách hàng tại nhiều nước thành viên FTA có thói quen mua, sử dụng hàng chất lượng cao, bảo đảm an toàn; hàng hóa phải đáp ứng các quy định về xuất xứ, vấn đề lao động, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất”, ông Lê Huy Khôi khuyến nghị.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường thông tin, ngành Dệt may đang tìm cách tận dụng những ưu đãi do các FTA mang lại, để thâm nhập thị trường, bù sự thiếu hụt đơn hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về nguyên tắc, FTA thật sự là cú hích cho “dòng chảy” hàng Việt ra thế giới theo thời gian; đơn cử riêng Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Nhưng đạt kết quả cụ thể là bao nhiêu, có như kỳ vọng hay không phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả điều hành cũng như sự năng động của đội ngũ doanh nghiệp.