Lo ngại giá xăng tăng đẩy giá hàng hóa tăng theo

Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 02/03/2021

(HNMO) - Sau khi giữ nguyên không tăng giá trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trong kỳ điều hành vừa qua, liên bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng mạnh các mặt hàng xăng, dầu thêm hơn 700-800 đồng/lít. Trong lúc nhiều ngành nghề vẫn gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ 15h ngày 25-2, liên bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất điều chỉnh tăng giá xăng E5RON92 thêm 731 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 814 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 803 đồng/lít; dầu hỏa tăng 710 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 507 đồng/kg.

Và theo niêm yết của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì giá xăng RON95 đã ở mức 18.180 đồng/lít đối với xăng RON95-IV và 18.080 đồng/lít đối với xăng RON95-III; xăng E5RON92 là 17.030 đồng/lít...

Thống kê kể từ ngày 11-11-2020 đến nay, giá xăng E5RON92 đã tăng tổng cộng 3.146 đồng/lít, xăng RON95 tăng tổng cộng 3.383 đồng/lít.

Giá xăng tăng đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những đơn vị vận tải. Trao đổi về điều này, ông Phạm Văn Anh, đại diện hãng taxi Sông Nhuệ cho biết, đợt dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Nhu cầu đi lại của người dân giảm nhiều trong thời gian vừa qua, tiếp đến lại là vấn đề tăng giá xăng khiến doanh nghiệp gặp khó chồng khó.

“Giá xăng dầu chiếm 35-40% đầu vào quyết định giá thành vận tải. Việc điều chỉnh giá xăng tăng mạnh chắc chắn tác động đến hoạt động vận tải. Nhưng chung tay với nỗ lực phòng, chống dịch của thành phố, chúng tôi chấp nhận sụt giảm doanh thu và hãng taxi Sông Nhuệ vẫn giữ nguyên mức giá cước để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”, ông Phạm Văn Anh nói thêm.

Nhiều người dân cũng không khỏi lo lắng bởi giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo một số mặt hàng thiết yếu cũng sẽ tăng theo, gây ảnh hưởng chi tiêu sinh hoạt, nhất là với những người có thu nhập thấp.

Ông Trần Thanh Tùng, thường trú tại ngõ 354/7 đường Lê Duẩn (quận Đống Đa) bày tỏ lo ngại, giá xăng tăng lên kéo theo những mặt hàng khác tăng giá do cước phí vận chuyển tăng. Trong khi tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề kinh doanh sụt giảm, đời sống của người lao động đi xuống. Ông Tùng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng tạo sự bình ổn với mặt hàng thiết yếu này.

Trong khi đó, theo lý giải của liên bộ Công Thương - Tài chính, trong các kỳ điều hành gần đây, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, liên bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá ở mức khá cao (kỳ điều hành ngày 10-2 đến 25-2 vừa qua đang chi Quỹ bình ổn giá ở mức từ 603 đồng đến 1.729 đồng/lít/kg cho các mặt hàng xăng dầu).

Tính từ kỳ điều hành ngày 11-1 đến 25-2-2021, Quỹ bình ổn giá đã chi từ 1.034 đồng đến 4.179 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này, nếu không tiếp tục chi Quỹ bình ổn giá, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 1.305-2.722 đồng/lít/kg.

Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, góp phần bình ổn giá hàng hóa sau Tết Nguyên đán, hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; tăng mức chi Quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng dầu lên mức từ 800 đồng đến 2.000 đồng/lít/kg.

Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Thanh Hải