Bảo đảm an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ
Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 03/03/2021
- Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 còn phức tạp là hết sức cần thiết. Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai những giải pháp nào để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thực phẩm bán ra thị trường, thưa ông?
- Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là trách nhiệm của nhiều ngành, địa phương trong đó có ngành Nông nghiệp. Để kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ trang trại tới chợ dân sinh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tăng cường công tác giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm tươi sống tiêu dùng hằng ngày của người dân. Theo đó, năm 2020, các đơn vị của Sở đã kiểm tra, lấy 6.064 mẫu nông, lâm, thủy sản, phát hiện 335 mẫu vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 5,5%). Từ đó, các đoàn kiểm tra của Sở đã buộc tiêu hủy 25 tấn sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Mặt khác, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng thực phẩm. Đến nay, Hà Nội đã hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn; duy trì hơn 1.300ha rau, quả, chè, 181ha nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP... Bên cạnh đó, thành phố đã có gần 40ha trồng trọt theo hướng nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ và có 9.494 sản phẩm nông sản tham gia ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc...
- Có thể nói, việc quản lý an toàn thực phẩm đã được ngành Nông nghiệp Hà Nội chú trọng và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai cho thấy, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề, xin ông cho biết rõ hơn?
- Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện nay còn manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP... Do vậy, chất lượng chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc chưa cao. Nông sản tiêu thụ chủ yếu là sản phẩm thô, chưa có tem nhãn mác, chưa đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, giá thành không ổn định... Mặt khác, số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhiều (17.598 cơ sở), nhưng phần lớn nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư và việc chậm quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã gây không ít khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là khâu sơ chế, chế biến...
- Ông có thể cho biết, để chủ động kiểm soát được chất lượng nông sản, thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, trong năm 2021, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp gì?
- Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô, phải quản lý an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Thời gian tới, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn… Theo đó, hết năm 2021 duy trì và tăng 20% chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn...
Mặt khác, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác hậu kiểm - thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả đề xuất xử lý hình sự với các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các giải pháp nhằm giảm nhanh việc giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y; tập trung nâng cao hiệu quả quản lý việc sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi.
Ngành Nông nghiệp cũng đang tiếp tục phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm tại địa chỉ hn.check.net.vn; tăng cường quản lý, phát triển chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các đoàn thể xã hội thực hiện hiệu quả việc vận động người dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, vì sức khỏe cộng đồng.
- Trân trọng cảm ơn ông!