Tiếp tục xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh
Chính trị - Ngày đăng : 10:31, 03/03/2021
Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia
Biên giới quốc gia là bộ phận thiêng liêng, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi biên cương là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên cương đều liên quan đến sự an nguy của đất nước.
Do đó, ngay sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập các lực lượng: Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang (trực thuộc Bộ Công an), các đơn vị quân đội (trực thuộc Bộ Quốc phòng) làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa.
Ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, sau này là lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về công tác Biên phòng, nội địa và giới tuyến; khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa.
Thực hiện Nghị quyết trên, ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100-TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.
Từ đây, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác nội địa, biên phòng, tập trung thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Cũng từ đó, ngày 3-3 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của BĐBP.
Tại buổi lễ công bố thành lập (ngày 28-3-1959), lực lượng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự, Người đã huấn thị: “Đoàn kết, cảnh giác; Liêm chính, kiệm cần; Hoàn thành nhiệm vụ; Khắc phục khó khăn; Dũng cảm trước địch; Vì nước quên thân; Trung thành với Đảng; Tận tụy với dân”. Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt 62 năm qua, lực lượng BĐBP đã không ngừng nỗ lực, vượt khó vượt khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, BĐBP luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, chiến đấu ngoan cường, anh dũng hy sinh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Có thể kể đến những điển hình như: Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ đã nêu cao tấm gương dũng cảm trong xây dựng phòng tuyến nhân dân, bảo vệ biên giới; các đồn công an nhân dân vũ trang Cửa Tùng, Cù Bai (Quảng Trị), Quang Chiểu, Pù Nhi (Thanh Hóa), Pha Long (Lào Cai) trên mặt trận chống gián điệp bảo vệ biên giới, bờ biển giới tuyến; cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600, Trung đoàn 254... và rất nhiều tấm gương khác về tinh thần anh hùng, dũng cảm, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Sang thời bình, kế thừa và phát huy tinh thần một lòng, một dạ vì dân, gắn bó máu thịt với nhân dân của các thế hệ đi trước, BĐBP đã góp phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; vừa giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Thời gian qua, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của các tập thể, cá nhân dũng cảm “Vì nhân dân quên mình” trong đấu tranh chống tội phạm, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo...
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, cùng chung một ý chí “chống dịch như chống giặc” với cả nước, tại các vùng biên cương của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ BĐBP vừa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, vừa tuần tra, canh trực để ngăn chặn hiệu quả hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, đồng thời đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh trật tự vùng biên.
Xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh
Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT về tổ chức Ngày Biên phòng toàn dân (BPTD) trong cả nước. Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó xác định ngày 3-3 hằng năm là Ngày BPTD.
Sau 32 năm thực hiện Ngày BPTD, khu vực biên giới đã có bước phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh; phòng tuyến nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới ngày càng vững mạnh. Các đơn vị BĐBP đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh toàn diện; cụ thể: BĐBP đã tăng cường hơn 330 cán bộ cho các xã, phường biên giới; khoảng 1.500 đảng viên các đồn Biên phòng được giới thiệu tham gia sinh hoạt tại chi bộ các xóm, bản biên giới; hơn 9.000 cán bộ các đồn biên phòng được phân công phụ trách trên 42.000 hộ gia đình khu vực biên giới... Những cán bộ, đảng viên này đã thực sự là “cầu nối” của Đảng, của quân đội đến với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.
Thấm nhuần quan điểm “dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể" và “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”, các lực lượng BĐBP thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp, với những mô hình cụ thể, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới, làm nền tảng để xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp... Với chức năng là đội quân chiến đấu, công tác, lao động, sản xuất từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, các đơn vị BĐBP đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho nhân dân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Thực hiện phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, nhiều mô hình, chương trình, phong trào được triển khai đã góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh trên địa bàn biên giới, tiêu biểu như: Chương trình “Mái ấm biên cương” đã vận động, quyên góp xây dựng hơn 7.000 căn nhà trị giá 241 tỷ đồng; Phong trào "BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới" hỗ trợ 189 xã xây dựng nông thôn mới; Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" trao tặng 24.000 con bò giống cho hộ nghèo tại 11 tỉnh biên giới phía Bắc; Chương trình "Nâng bước em tới trường" đỡ đầu gần 3.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới; Chương trình "Hãy làm sạch biển"; "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng giúp đỡ hội viên phụ nữ khu vực biên giới ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; hay mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" nhận nuôi 318 học sinh, là con của các gia đình nghèo, mồ côi bố, mẹ… Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào khu vực biên giới, củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và quân đội, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc ở khu vực biên giới.
Với những thành tích đã đạt được, BĐBP vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều huân, huy chương và danh hiệu cao quý: Một Huân chương Sao vàng; ba Huân chương Hồ Chí Minh; hai Huân chương Độc lập, hai lần được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...; nhiều cá nhân, tập thể cũng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...