Chưa phát hiện hiện tượng bơm nước, trộn các thứ khác để tăng khối lượng rác
Công nghệ - Ngày đăng : 20:27, 04/03/2021
Thượng tá Phạm Đức Thắng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường và Phòng Cảnh sát kinh tế tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng theo dõi, giám sát ngay từ các điểm đầu phát sinh rác, quá trình vận chuyển, xử lý, điểm trung chuyển, tập kết, điểm dừng nghỉ lái xe, từ thành phố lên 2 khu xử lý rác Xuân Sơn, Sóc Sơn.
"Đến nay, chưa phát hiện hiện tượng bơm nước hay trộn các thứ khác để gia tăng khối lượng rác thải", Thượng tá Phạm Đức Thắng khẳng định.
Về biểu hiện tiêu cực trong xử lý rác, Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng Cảnh sát môi trường đang tích cực thu thập tài liệu liên quan, khi có thông tin sẽ cung cấp thêm.
Giải đáp các câu hỏi liên quan đến giải pháp cải thiện môi trường sông Tô Lịch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, thành phố đã nhận được nhiều đề xuất về giải pháp cải thiện môi trường sông Tô Lịch, trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng qua hồ Tây rồi chảy vào sông Tô Lịch.
Thời gian gần đây, với việc Bí thư Thành ủy giao các đơn vị chức năng tìm phương án đẩy nhanh việc này, cơ quan liên ngành đã khảo sát và đưa ra đề xuất bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc. Theo ông Thắng, nếu bổ cập qua cống Liên Mạc, phương án này có thể cải thiện ô nhiễm cả cho sông Nhuệ.
Trước đây, Hà Nội đã có dự án nâng cấp, xây dựng mới cống Liên Mạc; thời gian tới, việc này sẽ được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu dự án này được thực hiện sẽ bảo đảm việc tưới tiêu nông nghiệp và bổ cập nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin, đơn vị đang đề xuất xây 8 trạm bơm dã chiến công suất 90m3/s để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Với lưu lượng nước này có thể đủ để tạo dòng chảy, cải thiện ô nhiễm cho 2 con sông.
"Liên ngành sẽ nghiên cứu, tìm phương án cải thiện chất lượng nước, bổ cập cho sông Tô Lịch khả thi nhất để tham mưu, trình thành phố", ông Hoàng Cao Thắng nói.
Về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Hà Nội sẽ tiến tới thu gom, tách toàn bộ nước thải sinh hoạt, kiểm soát chất lượng nước thải, bảo đảm đầu ra phải thân thiện nhất với môi trường do trên địa bàn Thủ đô có dân số đông, các cơ sở bệnh viện lớn, nhiều. Khi thu gom mà cống hóa thì sẽ tiềm ẩn ô nhiễm vì khí không thoát, tạo nguy cơ dịch bệnh nên việc thu gom phải đồng bộ. Thời điểm này, trên sông Tô Lịch cũng đã tiến hành thu gom một số điểm để đánh giá sơ bộ.