Cần nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 19:08, 04/03/2021

(HNMO) - Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 3-2-2021 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, ngày 4-3, Sở Công Thương Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp ô tô 1-5 (huyện Đông Anh).

 Năm 2020, doanh thu của Công ty cổ phần cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường giảm 30% so với năm 2019.

Ghi nhận tại buổi kiểm tra, 13/13 nhà máy tại cụm công nghiệp đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, có những nhà máy hoạt động cầm chừng, công suất chỉ đạt khoảng 50% đến 80% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.

Tại Công ty cổ phần Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường, tình hình dịch Covid-19 diễn ra khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn về nhân sự khi quay trở lại sản xuất sau Tết. Ông Dương Minh Cường, Tổng Giám đốc điều hành Công ty cho biết, năm 2020, doanh thu của công ty giảm 30% so với năm 2019. Đến ngày 31-12-2020, tổng cán bộ, công nhân viên của công ty là 620 người, nhưng sau dịch từ ngày 17-2-2021 đến nay, lượng công nhân viên chỉ duy trì trong khoảng 550 người.

Trong khi đó, theo bà Vương Thị Thu Luyến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Thuận Phúc, tác động của dịch Covid-19 đã khiến doanh thu năm 2020 giảm 5% so với năm 2019, số cán bộ, công nhân viên cũng bị giảm 25%. Từ cuối năm 2020, chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng mạnh đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

 Tình hình dịch bệnh khiến Công ty TNHH May mặc An Thắng chưa thể vận hành 100% công suất hoạt động.

Tương tự, ông Lê Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường chia sẻ, Trí Cường cũng như các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp chủ yếu tham gia sản xuất cho các công ty trong chuỗi cung ứng. Hiện nay, mặc dù sản xuất có tốt lên, nhưng những rủi ro từ dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất thiếu tính ổn định, chi phí logistics, nguyên vật liệu… đều tăng. Doanh nghiệp đang phải cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động chứ chưa tính đến bài toán hiệu quả.

“Tại các khu công nghiệp, đòi hỏi để doanh nghiệp tiếp cận được mặt bằng sản xuất là phải đầu tư tối thiểu từ 10.000m2, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần mặt bằng từ 3.000 đến 5.000m2 là đã có thể sản xuất và khả năng đầu tư của doanh nghiệp cũng chỉ ở ngưỡng như vậy. Mặt khác, giá đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội từ lâu nay vẫn cao hơn các tỉnh lân cận khá nhiều, khoảng hơn 2 triệu đồng/m2. Các doanh nghiệp phải thanh toán toàn bộ 1 lần, điều đó đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để có được mặt bằng ổn định sản xuất”, ông Lê Thanh Thủy phân tích.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong Nhà nước tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ như: Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ về vốn, thuế, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội… cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021.

Thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, song dịch bệnh đã khiến tình hình sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn huyện có sự suy giảm. Cường độ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 60% đến 80%, một số doanh nghiệp rơi vào khó khăn có thể phải dừng hẳn hoạt động.

Vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, lao động, lãi suất… là những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa chủ động nắm bắt thông tin để được hưởng lợi từ chính sách này. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất đang được huyện Đông Anh tích cực triển khai thực hiện.

Trước các ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sẽ tổng hợp các vướng mắc và báo cáo UBND thành phố, từ đó tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.

Thanh Hiền